Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước, Ðảng ta luôn kiên trì mục tiêu tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Ðảng và toàn xã hội. Ðồng thuận xã hội là nhân tố quan trọng, là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc, yếu tố căn bản bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tăng cường sự đồng thuận xã hội là mục tiêu và quan điểm của Ðảng, đồng thời là nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, đang được thể hiện sinh động trong thực tiễn.
Bí thư Chi bộ thôn Én 2 (xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn) Lương Thị Ðồng vận động phụ nữ cao tuổi trong thôn thực hiện nếp sống văn hóa mới. (Ảnh PHẠM SƠN) |
Bài 1: Dân vận bảo đảm hành động ngang tầm quyết tâm chính trị
Công tác dân vận của hệ thống chính trị kiên trì quan điểm “dân là gốc”, lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm điểm xuất phát và cơ sở của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Những năm gần đây, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng sâu sát với nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, là giải pháp quan trọng để xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Truyền thống tốt đẹp, nguồn sức mạnh vô địch của Ðảng ta chính là sự liên hệ mật thiết với nhân dân và hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành, quản lý của Nhà nước được củng cố, tăng cường, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Ðảng được Ðại hội XIII ghi nhận, khẳng định và tiếp tục triển khai trong thực tiễn, chính là thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân
Nội dung và nhận thức về công tác dân vận được Văn kiện Ðại hội XIII đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, với nhiều điểm mới nổi bật.
Ðề cao việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo cơ sở xây dựng sự đồng thuận xã hội, động viên, tập hợp và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước.
Ban Dân vận Trung ương phối hợp Ban cán sự đảng Chính phủ, Ðảng đoàn Quốc hội, các ban, bộ, ngành thực hiện công tác dân vận trên các lĩnh vực, ưu tiên những vấn đề bức xúc, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, giải pháp rõ ràng, bám sát nhiệm vụ của từng tổ chức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 quy chế phối hợp, 2 nghị quyết liên tịch, 12 chương trình phối hợp giám sát.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số chung sống, thực hiện chủ trương tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều quyết định, đề án về công tác tư tưởng, chính trị và tuyên truyền, vận động quần chúng.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các địa phương, đơn vị các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch gắn với tình hình thực tiễn, tập trung vào những việc mới, việc khó. Từ đây, việc xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” được triển khai đồng bộ trong các lĩnh vực công tác và tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Hướng về cơ sở, cộng đồng, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đến nay Lào Cai có hơn 1.000 mô hình “dân vận khéo”.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Ðức Ngọc trao đổi, các mô hình này phát huy hiệu quả rõ rệt trong vận động quần chúng vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Ðề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn”, “Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn từ năm 2012 đến nay đã tạo sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, các nhân tố trên tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trong nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành, triển khai thực hiện Ðề án “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy thống nhất chương trình, quy chế phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2021-2026 với 10 nội dung chính.
Trong đó, trước hết là việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời giao nhiệm vụ đến từng đơn vị, cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Ðức Trung chia sẻ, khi thực hiện quy chế phối hợp, trung tâm của các hoạt động, điểm tựa để xây dựng sự đồng thuận xã hội chính là hướng tới mọi người dân.
Muốn dân tin, dân hiểu, dân đồng thuận thì điều đầu tiên là phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Ðể phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân thì chính quyền các cấp phải nâng cao chất lượng giải quyết các công việc hành chính cho người dân.
Thực tế ở Nghệ An, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận, cấp ủy và chính quyền các cấp hướng về cơ sở, đặt người dân ở vị trí trung tâm, kịp thời giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu tăng cường tiếp xúc, đối thoại, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân định kỳ vào ngày 5, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ vào ngày 15. Người đứng đầu tất cả 21 huyện ủy, thành ủy, thị ủy thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân. 372/460 xã, phường, thị trấn định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đông người, giải quyết hơn 90% số vụ việc, không để phát sinh điểm nóng. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam, đến nay, Nghệ An có hơn 4.500 mô hình “dân vận khéo”. Trong cải cách hành chính, toàn tỉnh đã cung cấp 2.096 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 1.136 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 646 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 314 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bước đầu chuyển sang mô hình chính quyền phục vụ. Ðây là yếu tố quan trọng để năm 2022, Nghệ An tăng 7 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đứng thứ 3 khu vực và thứ 22 trong cả nước; thu ngân sách đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Đổi mới phương thức, hướng vào mục tiêu phát triển
Ðổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, tập trung hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu đột phá của địa phương, đơn vị là định hướng lớn đang thể hiện hiệu quả rõ nét trong thực tế.
Ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc chung sống, giàu tài nguyên và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, do sự khác biệt về địa lý, dân tộc, văn hóa và lối sống, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn còn khá cao.
Từ năm 2019 đến nay, hằng năm, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”; phân cấp, ủy quyền, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có kế hoạch thực hiện đối với một số nhiệm vụ mới, việc khó, để tạo sự đồng thuận, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Kiên trì quan điểm hiệu quả của công tác dân vận phải thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy chú trọng yêu cầu dân vận phải từ việc cụ thể, không chung chung. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, nội dung công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh là phát huy các giá trị của văn hóa, trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc và bảo đảm hội nhập quốc tế.
Tỉnh đã kiểm kê, bảo tồn hơn 700 di sản văn hóa vật thể và hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều di sản và lễ hội nổi tiếng. Từ đây, cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân cùng tham gia bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị “biến di sản thành tài sản”.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, phương thức dân vận này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Mới đây, tại chuỗi sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái đã giới thiệu, lan tỏa những hình ảnh đẹp, đặc biệt của màn trình diễn “Nghệ thuật Xòe Thái” (được UNESCO ghi danh) cùng những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc, thể hiện rõ tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hưng Yên tập trung vào các khâu đột phá chiến lược là thực hiện công tác quy hoạch; thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách nhà nước.
Nhiều thách thức, vấn đề “nóng” cần giải quyết, rõ nhất là trong thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông quốc gia, vùng và nội bộ. Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy vai trò công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, thu hút nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; lãnh đạo nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”; triển khai thực hiện “Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, giai đoạn 2021-2025”.
Huyện Ân Thi được quy hoạch là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh, trong khi cơ sở hạ tầng, nhất là trình độ quản lý và cải cách hành chính còn nhiều bất cập. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dương Tuấn Kiệt cho biết, nhờ coi trọng đổi mới phương thức công tác dân vận, nhân dân đồng thuận, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình được bảo đảm, tạo sức bật trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tại huyện Khoái Châu, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ðức Sơn chia sẻ rằng, khi người đứng đầu thực sự nêu gương về phong cách công tác gần dân, sát thực tiễn, mọi công việc nhanh chóng đạt được sự đồng thuận. Hiệu quả đổi mới phương thức công tác dân vận góp phần quan trọng để Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 12,8%, cao nhất trong 15 năm gần đây, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 5 cả nước.
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, hiệu quả của công tác dân vận bảo đảm cho hành động của cấp ủy, chính quyền ngang tầm quyết tâm chính trị. Công tác dân vận góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa xác định đúng vai trò của công tác dân vận; việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát. Công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của nhân dân chưa có hiệu quả.
Việc đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng một số chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân chưa tốt. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận xã hội, nhưng chưa được coi trọng để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng tại nhiều địa phương là minh chứng sinh động rằng hiệu quả công tác dân vận tạo ra sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển vì một Việt Nam giàu mạnh. Sức mạnh của lòng dân làm nên sức mạnh của Ðảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hành dân vận sao cho đúng, cho khéo, nêu gương cho quần chúng, thực sự “Ðem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”.
(Còn nữa)
Nhận xét
Đăng nhận xét