“Cách mạng màu” là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài. Các cuộc “cách màu khác” trong lịch sử đến nay cũng tương tự như vậy. Điểm chung trong thủ đoạn của “cách mạng màu” là chúng nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để tổ chức kích động, bạo loạn. Trong đó, thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng bên trong giữ vai trò “thực thi”.
“Cách mạng màu” với nhiều tên gọi khác nhau như: cách mạng nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… đã diễn ra ở một số nước trên thế giới cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam chúng ta có phải đối diện với nguy cơ xảy ra “cách mạng màu” hay không? Bản chất của “cách mạng màu” như nào và đâu là giải pháp để ngăn ngừa âm mưu, thủ đoạn của “cách mạng màu” ở Việt Nam và vấn đề đặt ra trong bảo vệ Đảng trước nguy cơ này.
HSV xin trân trọng giới thiệu tới độc giả loạt bài: Bản chất của “cách mạng màu” và vấn đề đặt ra trong bảo vệ Đảng trước nguy cơ của “cách mạng màu” ở Việt Nam do phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện.
Thủ đoạn và những ảo tưởng từ “cách mạng màu”
Thuật ngữ “cách mạng màu” xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XX và được bàn đến nhiều từ đầu thế kỷ XXI đến nay, bởi trong thực tế trên thế giới đã có biểu hiện ở một số quốc gia đã rơi vào khủng hoảng, chết chóc, bất ổn chính trị và bất ổn đời sống kéo dài. Những minh chứng về “cách mạng màu” ở các nước, vùng lãnh thổ như: Philippin (năm 1983), Tiệp Khắc (năm 1989), Nam Tư (năm 2000), Grudia (năm 2003), Cưrơgưxtan (năm 2005), Libăng (năm 2005), Iran (năm 2009), Tuynidi (năm 2010), Ai Cập (năm 2011), Maidan (2014), Hồng Kông (năm 2014) và ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi: Lybia, Xyri, Angiêri, Yêmen, Marốc, Gioócđani, Arậpxêút, Ôman, Irắc… Gần đây, là những diễn biến chính trị phức tạp tại Thái Lan, Campuchia, Mianma, Inđônêxia, Vênêxuêla…
“Cách mạng màu” là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài, thông qua cái gọi là “giương cao ngọn cờ dân chủ”, lôi kéo người dân tuần hành, biểu tình khiến cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt, gây bất ổn về trật tự xã hội. Ở một số nơi diễn ra “cách mạng màu”, Chính phủ thân Mỹ và phương Tây được hứa hẹn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, nhưng thực chất là sự bất ổn, bạo động và mất kiểm soát; đời sống người dân rơi vào tình thế ly tán, bạo loạn, chiến tranh xảy ra…
Phương thức bất bạo động là hình thức đấu tranh bằng mít tinh, tuần hành, biểu tình phản ứng với chính quyền đương nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quản lý bộ máy; về nạn tham nhũng; về việc bầu cử với cáo buộc có gian lận hoặc thiếu dân chủ; về việc thổi phồng những bất ổn xã hội và bức xúc trong nhân dân… Chính phủ rơi vào khó khăn trong kiểm soát xã hội. Từ đó, xung đột giữa người dân và Chính phủ ngày càng gay gắt, gây ra hiểu lầm, dẫn đến biểu tình đường phố, bạo loạn và thậm chí xung đột bằng vũ khí gây thương vong cho nhiều người dân thường.
Mục đích của cuộc “cách mạng màu” là các thế lực bên ngoài, trong đó nổi bật là Mỹ và phương Tây đã lợi dụng những mâu thuẫn về sắc tộc – xã hội – tôn giáo nhằm câu kết với những đối tượng đối lập, “kẻ cơ hội chính trị” trong nước vạch kế hoạch, thực hiện đấu tranh, dưới chiêu bài hứa hẹn tạo ra Chính phủ mới tốt đẹp hơn, ảo tưởng về một xã hội văn minh hơn. Không đơn thuần là lôi kéo, dụ dỗ, người thiếu hiểu biết, thành phần bất mãn chính trị, mà còn có sự tham gia của thanh niên trí thức cấp tiến, được huấn luyện tổ chức, tập dượt và được đầu tư về vật chất, tài chính.
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của các cuộc “cách mạng màu” đã diễn ra, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Từ những phương thức hoạt động âm mưu cuộc “cách mạng màu” và thông qua những xung đột xã hội, mâu thuẫn tôn giáo, tranh giành lợi ích giữa các phe nhóm chính trị, các thế lực bên ngoài và những “kẻ cơ hội chính trị” xoáy sâu vào những điểm yếu làm cho niềm tin của người dân đang bị lung lay, hiểu lầm… dẫn đến cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để khởi xướng, kích động, lôi kéo các tầng lớp xã hội, đặc biệt là những phần tử bất mãn chính trị, các đối tượng chống đối trong nước để thúc đẩy gây bạo loạn, mất ổn định chính trị”.
Cụ thể, những bất ổn chính trị ở Ucraina chính là minh chứng rõ rệt cho thấy rõ thủ đoạn và những ảo tưởng được xây dựng từ “cách mạng màu”. Diễn biến từ khủng hoảng chính trị qua 3 vòng bầu cử Tổng thống (các ngày 31/10/2004; 21/11/2004; 26/12/2004), chủ yếu giữa hai ứng cử viên là Thủ tướng Vichto Yanukovich và thủ lĩnh phe đối lập Yusenko chủ trương hướng đất nước về phía Tây với sự gia nhập EU và NATO.
Ở giai đoạn đầu, Mỹ và phương Tây can thiệp trực tiếp, nhiều lần đòi thay đổi dân chủ ở Ucraina, đồng thời thông qua các tổ chức tư nhân và phi chính phủ xâm nhập từng bước tạo ra các điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội cho “cách mạng cam”. Riêng trong 2 năm, 2003 – 2004, Mỹ đã chi 65 triệu USD cho mục đích thay đổi chế độ ở Ucraina. Riêng trong cuộc bầu cử ở Ucraina thì Mỹ đã chi cho phe đối lập tới 14 triệu USD. Khi tiến hành cách mạng, Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cho phe đối lập ở Ucraina tuyên bố “có gian lận trong bầu cử” và kêu gọi kích động dân chúng xuống đường biểu tình do phe đối lập tổ chức và tạo điều kiện cho Yusenko đảo ngược tình thế.
“Cách mạng màu thực chất là cuộc chơi của những thế lực bên ngoài nhằm thay đổi chính trị cho của đất nước theo ý muốn phương Tây”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền đánh giá.
Các minh chứng có thể dẫn chứng, khi kết quả bầu cử vòng hai được công bố thắng cử thuộc về Yanukovich với 49,42% số phiếu bầu, nhiều hơn ứng cử viên đối lập 3%. Trước đó, ngay trong những ngày bầu cử thì các tổ chức phương Tây ủng hộ phe đối lập đã tổ chức cuộc điều tra xã hội học ngay tại lối vào khu vực bầu cử; theo đó, ông Yusenko vượt trước đối thủ của mình là 11%. Ngay lập tức, ông này tuyên bố gian lận bầu cử và kêu gọi xuống đường biểu tình. Và tất nhiên Oasinhton tuyên bố không công nhận kết quả và đe dọa các hành động tiếp theo. Ngay sau đó, các nước phương Tây như Đức, Hà Lan, Canada tuyên bố có gian lận trong bầu cử tại Ucraina. Ngày 26/12/2004, cuộc bầu cử vòng ba được tiến hành dưới sự giám sát của 13 ngàn quan sát viên quốc tế. Sau đó, Ủy ban bầu cử Ucraina tuyên bố phe đối lập Yusenko thắng cử với 51,94% số phiếu bầu.
Ngày 23/1/2005, thủ lĩnh đối lập Yusenko chính thức tuyên thệ nhận chức Tổng thống Ucraina, phía Mỹ cho rằng đó là thắng lợi mang tính điển hình của “cách mạng màu” nói chung và tiếp tục phát triển mô hình này theo hướng xuất khẩu “cách mạng cam” và thúc đẩy dân chủ trong không gian hậu Xôviết.
Các cuộc “cách mạng màu” khác trong lịch sử đến nay cũng tương tự như vậy. Điểm chung trong thủ đoạn của “cách mạng màu” là chúng nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để tổ chức kích động, bạo loạn. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò “thực thi”.
Các cuộc cách mạng đó mang lại lợi ích cho ai?
Nhìn từ “cách mạng cam” ở Ucraina năm 2004, lặp lại năm 2014 với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, Ucraina lại bước vào cuộc phiêu lưu mới trong sân chơi các nước lớn với tương lai bất định chờ ở phía trước.
Nếu như cuộc bầu cử Tổng thống 2004 bị cho là gian lận; bộ đôi quyền lực, với Yusenko là Tổng thống và Thủ tướng là Yulia Tymoshenko xuất hiện vào đầu năm 2005, những người được họ tôn vinh là thủ lĩnh trong “cách mạng cam” lại chưa được tận hưởng thành quả cách mạng, cũng như những “giá trị phương Tây” mang đến, thì người dân Ucraina liên tiếp rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn lợi ích, bất đồng chính trị giữa Tổng thống và Thủ tướng Ucraina, khiến “ánh sáng cuối đường hầm” khó có thể xảy ra về một tương lai hòa giải dân tộc, ổn định và phát triển cho Ucraina.
Ucraina được tạo hóa ban cho vị thế địa – chính trị đặc biệt quan trọng, nằm giữa Nga và phần còn lại của châu Âu, một đất nước có tiềm năng và lợi thế lớn cho sự phát triển đất nước. Nhưng bế tắc chính trị sẽ là khủng khoảng kinh tế trầm trọng. Kể từ sau “cách mạng cam”, 46 triệu dân Ucraina phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội “đen tối của lịch sử nước này”, với chỉ số báo động: Năm 2008 – 2009, GDP của nước này giảm 15%; lạm phát tăng 16,4%; thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%, số thất nghiệp tăng gấp ba. Những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra như: xung đột vùng miền, chia rẽ sắc tộc, bạo lực, trả thù cá nhân, chính sách xã hội không thực thi hiệu quả… Kinh tế ngày càng trầm trọng, nợ nước ngoài tăng nhanh; lãnh đạo nước này rơi vào cảnh “gà mắc tóc”; dù Mỹ và phương Tây có viện trợ tới 35 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế Ucraina thoát khỏi nguy cơ sụp đổ của chính quyền thân Mỹ.
Các quốc gia phương Tây cho thấy họ chưa bao giờ dễ dàng cung cấp tiền cho các phe đối lập khi họ thấy không có lợi ích. Lợi ích lớn từ Mỹ và phương Tây là buôn bán được vũ khí, công nghệ khí tài; cho vay nợ; xuất khẩu hàng hóa thiết yếu; khuynh đảo nền kinh tế; thiết lập chính sách có lợi cho phương Tây… Một mặt, bản thân các nước phương Tây rất muốn cô lập Nga, kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc này, mặt khác, luôn thừa nhận mong muốn xích lại gần hơn với Nga. Vậy nên, Ucraina trở thành “quân cờ” trong chiến lược thỏa hiệp của các cường quốc. Ucraina đã không giữ vững được độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, lệ thuộc vào chính trị và phụ thuộc vào kinh tế các nước lớn.
Có thể thấy, như ở Grudia, Ucraina là quốc gia chịu ảnh hưởng của Nga, lại theo đuổi chính sách thân phương Tây nhưng không nhất quán, thậm chí dàn dựng “cách mạng màu” để gánh lấy hậu quả triền miên cho người dân. Các lực lượng bên ngoài đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ lưỡng cho việc biểu tình, kích động và lôi kéo mỗi người xuống đường biểu tình nhận từ 5 – 30 USD/ngày. Do đó, phe đối lập đã lôi kéo một lực lượng lớn, chủ yếu là thanh niên, sinh viên tham gia biểu tình. Niềm hy vọng “dân chủ, tự do” theo Mỹ và phương Tây biến thành sự thất vọng tràn trề, bởi sự nghèo đói, chết chóc của người dân Ucraina. Người dân thường đã thật sự tuyệt vọng, như là con rối trong tay những kẻ cơ hội đang theo đổi quyền lợi cho số ít đương nhiệm chứ không đoái hoài đến cuộc sống yên ổn, hạnh phúc và thịnh vượng của người dân. Đó chính là, thực tế thay đổi trạng thái tồi tệ này sang trạng thái tồi tệ khác, thậm chí can thiệp và gây hậu quả trầm trọng cho nhiều thế hệ dân thường của nước sở tại. Không ai có thể hình dung ra viễn cảnh một trong những nước cộng hòa giàu có nhất Liên bang Xôviết trong quá khứ lại đang rơi vào cảnh bần cùng, lầm vào hỗn loạn, nội chiến, dẫn đến “cách mạng màu” lần thứ hai năm 2014 là không thể tránh khỏi.
Theo góc nhìn nhận của Thiếu tá, Thạc sĩ Trần Quốc Tuấn (Học viện Chính trị – Bộ Quốc Phòng): Qua trường hợp Ucraina cho thấy, việc lật đổ chính phủ thông qua biểu tình, bạo lực là thường dẫn tới hậu quả là tranh giành quyền lực và lợi ích ngay trong nội bộ phe đối lập, đẩy đất nước lún sâu vào bất ổn đất nước kéo dài. Đây là một trong những cách thức và mục tiêu của “cách mạng màu” nhắm đến…
Có thể khẳng định, bài học quan trọng nhất cho các quốc gia là phải đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia là tối thượng, tôn trọng và thực thi quan hệ quốc tế có nguyên tắc phù hợp với những điều quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Không thể xem thường những mâu thuẫn, những tuần hành của người dân, mà phải có tính dự báo, phòng ngừa từ sớm, từ xa; nên xem xét mọi khía cạnh trong đường lối và chính sách phải vì người dân, chứ đừng chạy theo miếng bánh vẽ của Mỹ và phương Tây…/
TS. Lê Trung Kiên
Th.S Phạm Văn Cường
Nguồn: dangconsan.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét