Không hẹn mà gặp, khi biết chúng tôi muốn viết về gương một giáo viên hết lòng vì học trò, cả cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Si Ma Cai (Lào Cai) và thầy Lã Đức Vui, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Si Ma Cai đều giới thiệu thầy giáo Nguyễn Trọng Nam, Tổ phó chuyên môn Tổ Tự nhiên, Trường THCS thị trấn Si Ma Cai.
Vượt qua hoàn cảnh gia đình
Những ngày cuối cùng trước khi học sinh về nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, hoa đào đỏ, hoa mận trắng đã nở trên những triền núi ở Si Ma Cai như giục giã người người Tết đến, xuân về. Chúng tôi gặp thầy Nam vẫn đang cần mẫn hướng dẫn học sinh trong Câu lạc bộ Robot, STEM Si Ma Cai của trường cách lắp ráp. “Thầy Nam không chuẩn bị về quê ăn Tết với vợ hay sao mà giờ vẫn robot vậy?”, tôi hỏi vui và được chỉ ra chiếc xe gắn máy của thầy. Chiếc xe gắn máy hiệu Wave cũ kỹ được chằng buộc với mấy tấm ván gỗ và một giỏ nhựa màu đen bám đầy bụi đường. Thầy cho biết mai về quê nên đã tranh thủ chuẩn bị đồ từ buổi tối rồi.
– Thầy chở những đồ gì về cho vợ con ăn Tết vậy?
– Em chỉ tận dụng cái khung cũ còn dùng được rồi mang ít ván về để làm mặt bàn thôi ạ.
– Nhà thầy Nam có xa trường không?
– Hai vợ chồng em ở Đoan Hùng (Phú Thọ), cách trường khoảng 230km. Một tháng em cố sắp xếp để về với vợ con một lần vì đi xe gắn máy đường đồi núi xa khá vất vả mà đi ô tô khách thì không tiện bến. 16 giờ 30 phút ngày thứ sáu em bắt đầu về, hôm nào đi nhanh thì khoảng 23 giờ sẽ đến nhà. Nhưng cũng có những lần phải quá 24 giờ đêm mới có mặt ở nhà được. Cơ bản là vì mùa đông ở đây cuối chiều đã sương mù giăng phủ khắp nơi, không nhìn thấy đường để đi. Khó khăn nhất là đoạn đường từ thị trấn Si Ma Cai về đến Bắc Ngầm (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) chỉ 54km nhưng đi tới hơn 1,5 giờ đồng hồ.
– Xa như vậy thầy có tính đưa vợ con lên Si Ma Cai để đi lại đỡ vất vả không?
– Vợ con em cũng từng ở đây rồi nhưng để tiện đường chữa bệnh cho con nên lại phải đưa về quê chị ạ!
Thầy Nguyễn Trọng Nam (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn học sinh nghiên cứu, chế tạo robot. |
Thì ra hoàn cảnh gia đình thầy Nguyễn Trọng Nam khá vất vả. Vợ thầy không có việc làm, con nhỏ học lớp 1 nhưng sức khỏe không tốt. Vợ thầy phải đưa con về quê để tiện đưa bé đến Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen (Tuyên Quang) cách nhà 40km chữa bệnh hằng tuần. Hoàn cảnh gia đình là vậy nhưng thầy Nam luôn dành sự quan tâm đến những học sinh của mình. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013. Tròn 10 năm dạy hợp đồng rồi chính thức, thầy Nam đã công tác tại một số địa bàn khó khăn của huyện Si Ma Cai như Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sán Chải trong 2 năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Quan Hồ Thẩn 1 năm, Trường THCS xã Sín Chéng 2 năm, rồi 5 năm gắn bó với Trường THCS thị trấn Si Ma Cai. Ngày đầu lên Si Ma Cai, thầy có cảm giác hơi sợ vì nơi đây heo hút vắng người, mấy căn nhà lại trống huơ trống hoác.
10 năm trước, xã Sán Chải chỉ có đường đất, để đến được thôn xa nhất vô cùng vất vả, có những con dốc dựng đứng, đường trơn trượt khiến người đi xe máy có thể ngã bất cứ lúc nào. Với mong muốn mang tri thức đến cho học sinh, thầy đã cố gắng làm quen với hoàn cảnh mới và vượt qua khó khăn bằng nhiệt huyết và tình yêu nghề. Trong khi có những giáo viên lên đến Si Ma Cai nhận việc, thấy cơ sở vật chất hạn chế và đồng lương thấp đã bỏ đi luôn mà không quay trở lại thì thầy lại nghĩ đến tương lai của học sinh để làm động lực và luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để các em tiếp thu được kiến thức, phục vụ cuộc sống.
Góp sức giúp học sinh đến trường
Khi nhắc đến học sinh, giọng chùng xuống, thầy Nam kể về một trong những trường hợp đã không có cách nào giúp để em đi học nhiều hơn: “Trước kia em từng vận động em Cư Thị Hàng đi học nhưng quả thực cũng có lúc phân vân không biết làm thế nào để giúp Hàng tốt hơn. Bố mẹ Hàng đi Trung Quốc làm để kiếm thêm thu nhập. Hàng học lớp 7 nhưng dưới em là 3 em nhỏ khác, trong đó có cả bé mầm non. Hàng là trụ cột của cả gia đình. Nếu Hàng đi học thì các em ở nhà không ai coi sóc. Nhiều khi tranh thủ lúc rảnh rỗi, em rủ học sinh khác xuống giúp Hàng trồng ngô. Bây giờ cũng vậy, nhiều gia đình học sinh vẫn còn khó khăn, bữa ăn chủ yếu là cơm với mèn mén hoặc canh dưa nấu đậu và bát ớt. Nhìn xót lắm”.
Ở Si Ma Cai có một số em muốn thoát nghèo nên học rất giỏi, nhưng con số này rất ít. Hầu như học sinh không có động lực học, không biết học xong để làm gì. Thông tin ít, cộng thêm quan niệm không muốn con cháu đi làm xa từ chính gia đình, nên hầu như các em học xong rồi đều xây dựng gia đình. Huyện Si Ma Cai có hỗ trợ học bổng, ưu tiên học sinh khó khăn để động viên các em đi học đều hơn. Nhưng để học sinh đến trường là cả quá trình kiên trì vận động học sinh, phụ huynh của các thầy cô giáo. Bên cạnh việc đến tận nhà học sinh, hay có mặt trong những cuộc họp thôn, xóm để tìm hiểu hoàn cảnh, nói chuyện, chia sẻ với các gia đình, năm nào thầy Nam cũng tranh thủ tham gia lễ cúng rừng ở địa phương để tuyên truyền việc đi học cho học sinh. “Người dân ở đây rất coi trọng phong tục này nên ai đi đâu những ngày cúng rừng cũng về tụ họp đầy đủ. Hơn nữa, chúng em nhờ thôn làng lồng ghép quy định học sinh đi học vào hương ước của làng, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt. Nhờ vậy phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình hơn. Học sinh cũng ít nghỉ học hơn và nếu nghỉ cũng báo lý do với giáo viên chủ nhiệm”, thầy Nam cho biết. Nhờ sự cố gắng trong một thời gian dài của các giáo viên như thầy Nam, số học sinh bỏ học hiện đã ít hơn trước nhiều.
Khi học sinh đến trường rồi, thầy lại tìm cách “giữ chân” các em bởi nếu không nhắc nhở thường xuyên học sinh sẽ sao nhãng học tập. Có nhiều em khoảng 20-21 giờ hằng ngày vẫn làm việc nhà, nhưng cũng có những em vẫn mải chơi điện tử… Vì thế thầy Nam tìm cách chia học sinh thành các nhóm với mức độ quan tâm khác nhau theo hoàn cảnh gia đình, diện chính sách hay có nguy cơ nghỉ học cao… Ngoài giờ lên lớp thầy đến thăm nhà học sinh, tham khảo các giáo viên bộ môn và tìm hiểu qua học sinh khác vì có nhiều chuyện học sinh chỉ kể với nhau. Biết học sinh kém thường bị bạn bè trêu nếu không trả lời được câu hỏi sẽ càng tự ti, ngại giao tiếp, trong lớp thầy dành những câu hỏi dễ hơn cho các em này để tạo hứng thú cùng xây dựng bài. Thầy Nam cũng có một “mẹo” khá hay là dùng câu hỏi trên lớp phù hợp với hoàn cảnh của từng học sinh. Chẳng hạn với những học sinh có gia đình làm nghề buôn bán nhỏ thầy đưa ra câu hỏi liên quan đến công việc kinh doanh. Những gia đình làm nông nghiệp hay đang xây nhà… cũng được thầy vận dụng thành ngữ cảnh trong đề bài cho học sinh. Việc giúp học sinh nắm kiến thức cùng với cách vận dụng bài học vào thực tế như vậy không những giúp học sinh hiểu bài nhanh, nhớ lâu mà còn tạo động lực cho các em biết học để làm gì và trở nên ham học hơn. Những em lớp 6, lớp 7 thích lên bảng, nếu không gọi là dỗi, nên thầy chia ra các bài tập nhỏ để gọi được nhiều học sinh hơn lên bảng. Được lên bảng, lại trả lời đúng nên các em tự tin, thân thiện hơn. Đặc biệt năm nay lớp thầy có bạn biểu hiện hơi tăng động, kiểm soát hành vi kém, thầy đã dùng nhiều biện pháp nhưng em học sinh này vẫn không thay đổi. Ấy thế nhưng cách gọi lên bảng lại khá hiệu quả.
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài giờ chính khoá, thầy Nam cùng thầy cô trong trường tổ chức các cuộc thi nhỏ để khuyến khích học sinh tìm hiểu kiến thức như thi rung chuông vàng, thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, địa lý địa phương, thi trả lời câu hỏi trong giờ ngoại khóa… Để rèn thêm kỹ năng cho học sinh, thầy còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Robot, STEM Si Ma Cai. Anh Vũ Như Ngọc, phụ huynh học sinh Vũ Mai Phương, lớp 8A1 đánh giá cao sự nhiệt tình, trách nhiệm và chuyên môn của thầy khi con gái được thầy dạy Toán 2 năm liền: “Năm nay cả nhà rất vui vì tổng kết học kỳ I con khoe được 10 môn Toán. Nhờ thầy nên học sinh tích cực học hơn. Đặc biệt khi được tham gia Câu lạc bộ Robot, con tự tin trong giao tiếp và tích cực học hỏi, chịu khó mày mò, khám phá hơn”.
Bài và ảnh: THÀNH PHONG
Nhận xét
Đăng nhận xét