Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2016 – 2021 được một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ví von là “liều kháng sinh” đủ mạnh để chống “căn bệnh” thất thoát, lãng phí hoặc ngoài “phương thuốc kháng sinh” cần thêm “thuốc bắc” hữu hiệu, vì căn bệnh lãng phí này đã ngấm sâu trong suy nghĩ, hành xử của nhiều cán bộ công quyền, quen làm theo quy trình lạc hậu.
Báo Tin tức đăng tải một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh vấn đề này:
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên): Bãi bỏ quy định lạc hậu, “bệnh giấy tờ” và tiêu vốn “lát đường ồn ào”
Theo tôi cần phải rà soát các quy định; khắc phục, bãi bỏ các quy định đã lạc hậu và không đồng bộ. Trước hết là định mức kinh tế, kỹ thuật bởi rất nhiều định mức của Việt Nam lạc hậu, kéo dài hàng chục năm, thậm chí hơn. Nhiều đại biểu đã nói về một ca mổ kéo dài đến 9 tiếng đồng hồ mà bác sỹ chỉ được hưởng 140 nghìn đồng là rất bất cập. Những định mức như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển và chúng ta thấy rõ rằng là phải chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả mới phát huy được sáng tạo và năng động của cán bộ.
Về thể chế, chúng tôi quan tâm đến “bệnh giấy tờ”. Hiện, các thủ tục hành chính rất nhiều, đơn cử chỉ bán một căn hộ tập thể nhưng một cặp vợ chồng 80 tuổi, đã kết hôn 60 năm bây giờ yêu cầu phải trình giấy đăng ký kết hôn. Chúng ta có thể yêu cầu thay bằng những giấy tờ khác có thể thay thế được như hộ khẩu hoặc xác nhận của nơi cư trú.
Cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tại sao việc di chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô khó khăn như vậy? Tại sao việc các cơ quan, ban, ngành di dời ra và trả lại trụ sở đất vàng lại kéo dài khó khăn? có những đơn vị “im lặng là vàng, việc giữ đất là việc của cả làng chứ riêng mình ai đâu”. Tất cả cứ trôi đi với thời gian như vậy, sự lãng phí nghiễm nhiên hiển hiện ở những khu phố mà sự phát triển về kinh tế – xã hội, về thương mại rất lớn nhưng những khu đất thì chưa được trả lại; các dự án chậm tiến độ.
Cần sớm thể chế hóa Kết luận 14 về khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội lần này. Cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm, mà cần dám nghĩ và biết làm, đừng để cán bộ phải đối diện với những thách thức, đi làm việc mà như ra trận, đi làm việc mà phải đối diện với quá nhiều những áp lực, quá nhiều những quy định chồng chéo mà một cá nhân con người để tiếp cận được hết những quy định đó, để đồng bộ hóa nó và thực thi làm cho đúng thôi cũng rất khó khăn, dẫn đến việc công chức chán nản, nghỉ việc hàng loạt.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương): Có những cá nhân chỉ chú trọng đến lợi ích bản thân
Một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân. Bản thân căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì cái chung.
Việc tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công.
“Nóng” vấn đề thất thoát, lãng phí tài sản công
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh): Nhiều cơ sở bị hoang hóa, xuống cấp, lãng phí lớn
Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.
Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định; quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các điều kiện để quản lý Nhà nước đối với các tỉnh khó khăn, góp phần để nâng cao thu hút đầu tư giúp các tỉnh này có nguồn thu ngân sách tốt hơn trong tương lai…
Đối với việc sử dụng xe công phục vụ công vụ: Hiện nay theo quy định tại các văn bản của Chính phủ, định mức cho việc này còn cào bằng, chưa sát thực tiễn, dẫn đến có cơ quan nhu cầu xe ít nhưng được bố trí nhiều, trong khi đó có nhiều cơ quan, địa phương có địa bàn quản lý rộng, số lượng cán bộ thuộc diện có xe công phục vụ lớn nhưng lại chỉ được bố trí từ 1 – 2 xe, dẫn đến phải thuê, mượn, ảnh hưởng đến nhu cầu công việc và không tiết kiệm trong chi tiêu hành chính.
Vì vậy, đề nghị sớm điều chỉnh các quy định về sử dụng xe công. Theo quy định hiện nay, xe chở người có niên hạn sử dụng trong 20 năm nhưng xe công đi lại nhiều, xuống cấp rất nhanh, chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa đôi khi tốn kém hơn cả việc mua xe mới song vẫn bắt buộc phải sửa chữa để đảm bảo yêu cầu công việc, dẫn đến thực chất là rất lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Giải quyết các vướng mắc trong sử dụng xe công
Công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện qua nhiều thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua như: tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020… Đặc biệt, việc tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ. Bộ Tài chính mong Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển.
Do nhiều vướng mắc trong Luật Đầu tư công; Luật Đất đai là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư…dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất.
Về vấn đề sử dụng tài sản công, trong đó có xe công, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô, quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí… Dự kiến, tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính đã hai lần công khai trên Cổng Thông tin điện tử, theo đó dự thảo quy định rõ tiêu chí về việc mua sắm ôtô tại cấp huyện, góp phần giải quyết các vướng mắc hiện tại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc): Đề nghị rà soát danh sách các trụ sở, cơ quan
Tôi đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở cơ quan, tổ chức, các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý tài sản để có phương án xử lý dứt điểm; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành có trụ sở dôi dư ở các địa phương khẩn trương có phương án tổ chức thu hồi, điều chuyển, xử lý, bàn giao cho địa phương theo quy định để các đưa các trụ sở, nhà đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội ngày 11/10, từ 2016-2021, đã có hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí, bao gồm nhiều dự án đầu tư công sai phạm và phải xử lý hình sự. Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là hàng nghìn dự án chậm tiến độ với số lượng tăng dần qua các năm, trong đó chủ yếu là dự án lớn, trọng điểm quốc gia tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn – ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên…
Minh Phương/Báo Tin tức
Nhận xét
Đăng nhận xét