Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác NGKT đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang diễn biến rất mau lẹ, phức tạp, nhiều vấn đề, nhiệm vụ mới đặt ra đối với công tác NGKT. Ở trong nước, Đại hội XIII của Đảng đề ra các chủ trương quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại.
Các định hướng lớn này cần được cụ thể hóa trong công tác NGKT nhất là nhiệm vụ phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Bối cảnh quốc tế, thế và lực mới của đất nước và thực tiễn triển khai công tác NGKT thời gian qua đòi hỏi phải có một văn bản chỉ đạo mới của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác NGKT một cách toàn diện và thực chất.
Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các chủ trương, định hướng đúng đắn của Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 10/8/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đây là dấu mốc cho thấy một tư duy mới về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NGKT trong tình hình mới.
Theo đó, NGKT sẽ bước vào một giai đoạn mới, đóng vai trò là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Công tác NGKT cần lấy lợi ích quốc gia – dân tộc, hiệu quả thực chất là tiêu chí hàng đầu, đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài.
Chỉ thị đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, giáo dục và khoa học-công nghệ… Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò, thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn kinh tế quốc tế.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021 – 2030. Thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học-công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác. Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, xây dựng NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đối ngoại trong thẩm định, xử lý vướng mắc trong các dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài.
Bốn là, tăng cường theo dõi, cập nhật kịp thời, hiệu quả tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế. Triển khai các hoạt động NGKT thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa kinh tế với văn hoá, quốc phòng – an ninh; giữa song phương và đa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về đối ngoại và NGKT. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ đẩy mạnh NGKT.
Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác NGKT sẽ góp phần quan trọng trong thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác NGKT, từ đó bảo đảm sự phối hợp nhuần nguyễn, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác quan trọng này trong các hoạt động đối ngoại.
Để triển khai Chỉ thị có trọng tâm, trọng điểm và xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với ban cán sự đảng các bộ, ngành và cơ quan hữu quan xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động về công tác NGKT theo từng giai đoạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét