10 năm qua, sự ra đời và hoạt động của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã góp phần quan trọng từng bước kiềm chế, ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả trong đấu tranh PCTN, tiêu cực góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cảnh tỉnh, răn đe, góp phần ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.
Sự ra đời tất yếu
10 năm trôi qua, nhưng hẳn nhiều người chưa thể quên câu chuyện diễn ra tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI (tháng 10-2012). Đó là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn ở các nhiệm kỳ trước. Bởi, thời điểm trước đó, hàng loạt sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Tham nhũng, tiêu cực, sai phạm do đội ngũ cán bộ gây ra làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong hàng ngũ của Đảng khi ấy, nhiều người rất quyết liệt chống tham nhũng, nhưng chống từ đâu, chống bằng cách nào? Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, chỉ sau Hội nghị Trung ương 6, khóa XI chưa đầy 4 tháng, vào ngày 1-2-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập BCĐ Trung ương về PCTN, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Ngay trong phiên họp đầu tiên của BCĐ (ngày 4-2-2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên BCĐ phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”. Thực tiễn 10 năm qua minh chứng: Sự ra đời của BCĐ Trung ương về PCTN là việc làm cần kíp, là sản phẩm trí tuệ, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trước một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Khẳng định sứ mệnh đặc biệt
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 (tháng 12-2020) thống nhất đánh giá: Từ khi BCĐ được thành lập đến nay, công tác PCTN có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chính sự nêu gương, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trước Đảng, trước dân, các thành viên BCĐ đã thực hiện triệt để, hiệu quả quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Không có vùng cấm trong đấu tranh PCTN, tiêu cực”, trong 10 năm qua, BCĐ đã thực hiện tốt một số nhiệm vụ, như: Phát hiện và trừng trị những tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và PCTN. Kết quả công tác đấu tranh PCTN đã góp phần rất quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là BCĐ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực. 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.
Đặc biệt, BCĐ đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó BCĐ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực, khẳng định: “Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao như vừa qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, nên buộc phải làm”.
Bước tiến về tầm nhìn và tư duy
Trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đại biểu nhiều địa phương bày tỏ niềm tin tưởng, lạc quan trước quy mô, tầm mức và phương thức tổ chức hội nghị lần này. Đặc biệt, dư luận kỳ vọng, BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực sẽ tiếp tục có những tham mưu, sáng kiến mới, hiến kế cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc đấu tranh đẩy lùi “giặc nội xâm”; đồng thời gửi thông điệp, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao hơn nữa cho mọi cấp, mọi ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
10 năm qua, BCĐ luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan tham mưu chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về công tác PCTN, tiêu cực với cách làm bài bản, đồng bộ, khoa học. Sự tham mưu “đúng” và “trúng” là căn cứ quan trọng giúp xây dựng, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN. Từ chủ trương của Trung ương và yêu cầu thực tiễn, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, PCTN, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Đây chính là việc chúng ta “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Và tính hiệu quả của nó được chứng thực rõ rệt, vì gần đây, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực dù rất tinh vi, xảo quyệt cũng đều bị phơi bày sự thật và xử lý triệt để, nghiêm minh.
PCTN đã thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng rộng khắp trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm nhiều hơn, từng bước khắc phục biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh”. Riêng năm 2021, tất cả địa phương đã khởi tố những vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên…
Việc PCTN, tiêu cực được triển khai toàn diện cả theo trục dọc lẫn chiều ngang, trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch; nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ được chỉ đạo giải quyết quyết liệt.
Như vậy, qua 10 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ, hoạt động của BCĐ có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác PCTN, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.
Đặc biệt, ngày 16-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ để chỉ đạo cả công tác PCTN và công tác phòng, chống tiêu cực.
Mới đây, thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ PCTN, tiêu cực cấp tỉnh. Hiện nay, tất cả các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của BCĐ cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Tính đến ngày 27-6-2022, đã có 34 tỉnh, thành phố thành lập BCĐ PCTN, tiêu cực cấp tỉnh.
Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công bằng mà nói, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vì vậy, hôm nay (30-6), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 sẽ là cơ hội để cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trao đổi nhằm tiếp tục thống nhất nhận thức, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác PCTN, tiêu cực; đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị trong cuộc chiến với “giặc nội xâm” của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân.
NGUYỄN TẤN TUÂN
Nhận xét
Đăng nhận xét