Trong những ngày đất nước phải chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhiều người đã nhận ra một thực tế rằng cuộc sống thường nhật có ý nghĩa và giá trị đến nhường nào. Rõ ràng, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã khiến không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới phải hứng chịu những tác động nặng nề ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Nhưng cũng chính khoảng thời gian này, một “nguồn vaccine đáng giá” – vaccine của sự sẻ chia, của những quan điểm cấp tiến từ nhiều người trẻ tiên phong, có ảnh hưởng tích cực (KOL) trong xã hội, càng được bộc lộ. Họ là những cá nhân giúp lan tỏa và tình nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời mà không kèm điều kiện, để mở ra cơ hội sống cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Truyền cảm hứng từ sự tử tế
Khi còn nhỏ chúng ta đều được dạy rằng “1 = 1” là điều hiển nhiên đúng. Nhưng khi trưởng thành và trải nghiệm nhiều hơn, chúng ta còn biết rõ mọi thứ đều có tính tương đối và đôi khi 1 không chỉ là 1. Liên quan tới vấn đề hiến tạng, theo GSTS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt – Đức: nếu một cá nhân tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não, họ có thể cứu sống không chỉ 1 mà thậm chí là 8 – 10 người khác.
Được biết, năm 2006, việc Quốc hội Việt Nam thông qua “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Nhưng quan niệm về việc “chết phải toàn thây” vô hình trung đã khiến công tác vận động hiến mô, tạng gặp nhiều khó khăn.
Còn hiện nay, với sự tiến bộ của đời sống xã hội và công nghệ thông tin, việc hiến mô, tạng đang dần lan rộng thành phong trào tích cực và được “tiếp sức” bởi thế hệ trẻ, trong đó có nhiều KOL với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội.
Một trong số những người trẻ có tâm và tầm ảnh hưởng như thế là nhà báo, Thượng uý Lê Minh Hương (Cục Truyền thông CAND) – một gương mặt thân quen với thế hệ 8X, 9X nhờ vào vai nữ chính trong phần 1 bộ phim “Nhật ký Vàng Anh”. Vào lần sinh nhật thứ 33, cô đã đến Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Theo Minh Hương, cô đã đồng hành cùng nhiều tổ chức thiện nguyện đến thăm các bệnh viện trên cả nước và gặp nhiều cảnh đời éo le, mắc các bệnh hiểm nghèo mà không có tạng để thay thế.
“Nhận thấy sự đau đớn từ chính các bệnh nhân và sự bi quan từ gia đình họ, Hương đã tự nhủ tại sao mình không dành thân xác nhỏ bé này cho xã hội sau khi mất để giúp hồi sinh những mảnh đời bất hạnh. Nghĩ là làm, Hương đã tìm hiểu và đưa ra quyết định rất nhanh chóng”, Hương chia sẻ. Về phía gia đình và bạn bè, Hương tâm sự rằng, khi chia sẻ thông tin này, mọi người khá ngỡ ngàng nhưng sau đó bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm cấp tiến và nghĩa cử nhân văn của nữ nhà báo – chiến sĩ.
Cô cho biết: “Một số bạn bè, người hâm mộ đã cảm ơn Hương về thông tin hữu ích và bày tỏ ý muốn đăng ký hiến tạng. Hương hy vọng câu chuyện của mình sẽ tác động tích cực tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ và cả các con của Hương, bởi cả trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt”.
Chung góc nhìn với Minh Hương, MC Nguyễn Minh Hà cũng đăng ký hiến mô, tạng sau một lần làm chương trình liên quan tới chủ đề này. Người truyền cảm hứng cho cô chính là TS. BS Lê Xuân Cung – người trực tiếp thực hiện 1 trong 2 ca ghép giác mạc, được em bé 7 tuổi Nguyễn Hải An hiến tặng sau khi qua đời vì mắc chứng u não. Nhờ có giác mạc của Hải An mà 1 cụ bà 73 tuổi và 1 nam giới 42 tuổi đã nhận được ánh sáng sau nhiều thập kỷ sống trong bóng tối.
Minh Hà quan niệm: “Mình là máu thịt của mẹ cha nên khi chết đi mà một phần thân thể vẫn tiếp tục sống cũng là một cách để tỏ lòng biết ơn gia đình lẫn trả ơn cuộc đời”. Khi nhắc tới việc chia sẻ câu chuyện tới nhiều người, Minh Hà cho hay, sau khi biết được rằng số lượng bệnh nhân chờ được ghép tạng rất lớn, còn nguồn cung không đủ đáp ứng, cô đã tự nhủ phải vượt qua thị phi để truyền tải thông điệp sẻ chia tới cộng đồng.
Không những vậy, Minh Hà cũng rất tích cực tham dự nhiều chương trình đối thoại về vấn đề hiến tạng. Cô chia sẻ: “Chúng ta không cần là người nổi tiếng mới có thể giúp lan toả giá trị tốt đẹp cho xã hội. Hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử vô cùng cao quý. Chính các bạn trẻ hãy trở thành những KOL của lòng nhân ái”.
Bắt nguồn từ bài học truyền thống
Nếu như sự quyết tâm và hy sinh to lớn của thế hệ ông cha trong quá khứ đã làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975, mở ra trang mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì phong trào tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng ngày nay đã, đang và sẽ giúp trao cơ hội sống tới rất nhiều người không may mắn.
Rõ ràng những bài học truyền thống về lòng yêu nước, tình đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể đã được những người trẻ sống trong hoà bình tiếp thu nghiêm túc, để họ được cống hiến, mang lại giá trị cho cộng đồng. Không chỉ Minh Hương và Minh Hà, nhiều KOL khác như Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Trương Thị May, ca sĩ Khắc Việt, hay MC Hạnh Phúc… cũng là những người trẻ đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não. Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng, mỗi người chúng ta đều là một mắt xích quan trọng trong vòng liên kết ấy.
Thật vậy, khi những KOL đăng ký hiến tạng giúp lan toả nghĩa cử cao đẹp, thì những người bệnh từng nhận được tạng hiến cũng hoàn toàn có thể chia sẻ câu chuyện của họ và truyền tải tính nhân văn của hành động này. Trong bối cảnh những thông tin độc hại xuất hiện với tần suất rất lớn trên các nền tảng mạng xã hội, “vùng xanh” thông tin từ những người trẻ trách nhiệm đã giúp truyền cảm hứng, nối dài những vòng tay nhân ái.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu rằng: “Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Chắc chắn, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện thì đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đánh giá, việc một người đăng ký hiến mô, tạng để cứu sống người khác mà không chỉ đích danh một cá nhân cụ thể là một tâm nguyện vô cùng lớn, phải được coi là tài sản quốc gia. Ông Phúc nhấn mạnh: “Mình phải tôn trọng giá trị hiến tạng ở tầm lớn, như vậy mới xứng đáng với sự cho đi của một người mong hiến tạng. Khi xác định đó là tài sản quốc gia, chúng ta mới có thể vận động một cách hiệu quả nhất”.
Linh Đan
Nhận xét
Đăng nhận xét