Vướng mắc về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; “loạn giá” nhiều mặt hàng y tế, lúng túng khi học sinh mắc COVID-19 ở trường học… là những vấn đề đang nổi lên.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng vừa thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ký báo cáo gửi Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về mề một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban này phụ trách (từ ngày 07/02/2022 – 24/02/2022).Cơ quan này bày tỏ lo ngại khi tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến ngày càng phức tạp; biến chủng Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cao, chiếm ưu thế, có khả năng lan ra các địa phương khác trong cả nước. Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ Y tế cần tổ chức xem xét khả năng này để có biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời, tránh bị động.
Loạn giá kit, thuốc tạo gánh nặng lớn với người dân
Liên quan việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà, theo Ủy ban Pháp luật, hiện nay, do số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, ở một số nơi người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương.
Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Ở một số phường của thành phố Hà Nội, người bệnh phải mang kit xét nghiệm ra Trạm y tế rồi khai bản giấy để lấy mẫu và báo kết quả vừa gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Cũng theo cơ quan này, tại một số địa phương có tình trạng nhiều người khi phát hiện mắc COVID-19 đã không khai báo với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà. Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu về mặt hàng kít xét nghiệm nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả.
Dư luận cho rằng dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu,… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Lúng túng khi học sinh là F0, F1
Cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý vấn đề lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 ở trường học. Theo đó, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong tuần qua là nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ em tăng cao, đặc biệt khi các học sinh mới đi học tập trung trở lại.
Tuy nhiên, việc hướng dẫn về xét nghiệm, cách ly theo dõi sức khỏe đối với học sinh bị bệnh nền, quy trình xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 ở trường học, thời gian cách ly tại nhà đối với học sinh là F1 hiện nay chưa thật rõ ràng, thống nhất.
“Nhiều trường vẫn lúng túng khi có học sinh mắc COVID-19, mỗi trường xử lý một cách khác nhau, chưa thống nhất phương pháp chung. Nếu không có phương án chuẩn bị chu đáo, để xảy ra tình trạng mỗi trường xử lý một kiểu thì sẽ chưa bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch ở trường học, dẫn đến phụ huynh không yên tâm, tin tưởng để cho con em đến trường, tác động bất lợi đến thực hiện chủ trương mở cửa trường học để học sinh học tập trung trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp” – báo cáo nhấn mạnh.
Đề cập việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị mắc COVID-19 tại nhà, báo cáo cho thấy tại một số địa phương, nhiều lao động đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng việc quản lý tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 chưa thật chặt chẽ. Trường hợp được dẫn chứng là vụ giả danh sinh viên trường y để tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên đến hỗ trợ khu cách ly, điều trị COVID-19 ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, sau đó “hô biến” thành bác sĩ để thực hiện viêc thăm khám, chữa trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại khu cách ly trong một thời gian mới bị phát hiện.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 một số nội dung để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền như nghiên cứu, có cách thức thông tin, truyền thông đầy đủ, kịp thời để ổn định tư tưởng, tạo niềm tin của người dân về chiến lược phòng, chống dịch bệnh trong thời gian sắp tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở./.
Ngọc Thành/VOV.VN
Nhận xét
Đăng nhận xét