Sau khi Việt Nam thông báo kế hoạch mở cửa, chuyên trang Vietnam Briefing phân tích và nhấn mạnh: “Things are looking up – Mọi việc đang chuyển biến tích cực”.
Vào giữa tháng 2 năm 2022, hàng loạt tờ báo quốc tế như Reuters, Tân Hoa xã, Nikkie Asian,… đăng tải thông tin Việt Nam công bố kế hoạch mở cửa đón khách du lịch, khởi động nền kinh tế.
Bên cạnh những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt như thiếu hụt nguồn nhân lực, thủ tục cấp visa và thủ tục cách ly sau khi nhập cảnh,… chuyên trang kinh tế Vietnam Briefing nhấn mạnh: “Things are looking up – Mọi việc đang chuyển biến tích cực”.
Điểm sáng của nền kinh tế
Trong bài viết “Việt Nam mở cửa nền kinh tế: Tại sao các nhà đầu tư nên giữ tâm lý tích cực?”, chuyên trang Vietnam Briefing đưa ra góc nhìn trên 3 khía cảnh: Ảnh hưởng của việc phong tỏa, kịch bản phục hồi hiện tại và các điểm sáng đầy hứa hẹn của nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa.
Việc chuyển sang “thích ứng an toàn” là bước ngoặt lớn trong công cuộc phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là yếu tố quyết định tới thời điểm Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế.
Theo số liệu từ Vietnam Briefing, khoảng 2/3 các ngành công nghiệp tại TP.HCM đã mở cửa trở lại. Số lượng doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại đạt xấp xỉ 66%.
Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp để giúp các doanh nghiệp và cá nhân phục hồi sau COVID-19, bao gồm cắt giảm tiền thuê đất, hoãn nộp thuế và tiền đất, trả tiền một lần cho người lao động và nới lỏng một số hạn chế đối với lao động nước ngoài,…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về các khía cạnh tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Gần đây nhất là Nestle, đã đầu tư thêm 130 triệu USD để thực hiện các dự án trong vòng hai năm tới. Công ty Tetra Pak của Thụy Điển cũng nhắc lại sẽ đầu tư 5,86 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất hiện có tại tỉnh Bình Dương. Gần đây nhất, LG Display của Hàn Quốc đã đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để mở rộng nhà máy ở phía Bắc Hải Phòng,…
Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) lưu ý rằng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang được kỳ vọng sẽ chỉ phát triển. AmCham cho rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
IHS Markit – một công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng cũng nhận định đại dịch khó có thể làm giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi việc phụ thuộc vào Việt Nam như một trung tâm sản xuất chính thì sự gián đoạn ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp gánh chịu hậu quả ít hơn so với việc di dời toàn bộ cơ sở sản xuất (do các chi phí bổ sung).
The Economist phân tích, COVID-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi theo ít nhất ba cách: Siết chặt việc đi lại, gây thiệt hại cho thu nhập xuất khẩu và ngăn cản dòng vốn nước ngoài. Việt Nam đã giải quyết vấn đề đầu tiên và vẫn đang tiếp tục giải quyết các vấn đề còn lại.
Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 cao hơn 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự mở rộng đầu tiên trong hai quý.
Đài NHK – Nhật Bản cho rằng sự tăng trưởng này được cho là do Việt Nam nới lỏng các biện pháp khóa cửa nghiêm ngặt, dẫn đến việc mở cửa trở lại các nhà máy và lượng tiêu thụ tăng lên.
Chiến dịch tiêm chủng thành công, mở cửa đón khách du lịch
Từ tháng 10 đến cuối năm 2021, khoảng 35 triệu liều vaccine COVID-19 đã được phân phối trên khắp Việt Nam. Mặc dù có xuất phát điểm thấp, nhưng Nikkei ASIAN đã chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới (theo Chỉ số phục hồi COVID-19).
Tính đến cuối năm 2021, TP HCM – nơi từng là tâm điểm dịch tại Việt Nam đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 80% người dân trên địa bàn trong khi số người dân được tiêm chủng tại Hà Nội đã vượt tới mức ngưỡng quá bán. Đây là những con số biết nói, giúp giảm tỷ lệ tử vong và là “chìa khóa để giữ nền kinh tế mở” – Vietnam Briefing nhấn mạnh.
Các chuyến bay nội địa đang dần hoạt động trở lại cùng với việc di chuyển bằng đường bộ và đường sắt liên tỉnh. Một số địa phương cũng đã mở cửa trở lại các điểm du lịch. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng lộ trình mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế vào tháng 6 năm 2022.
Trước đó, Việt Nam đã quyết định tạm dừng chế độ miễn thị thực do đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020. Do đó các thủ tục cấp visa, quy trình cách ly, các quy định đảm bảo an toàn,… đang là vấn đề hàng đầu được dư luận quan tâm.
Hãng Thông tấn Reuters phân tích, việc Việt Nam mở của du lịch, cụ thể là các đảo nghỉ dưỡng cho khách du lịch nước ngoài là một trong những biện pháp tích cực để thúc đẩy kinh tế./. Bảo Nhi/VOV.VN
Tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét