Vui Tết, mừng Đảng, mừng Xuân nhưng cần cảnh giác với những kẻ chống phá
Nhân Văn – Nhân Nghĩa
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022) đúng vào dịp cả nước vui Xuân đón Tết Nhâm Dần. Đây là sự hòa quyện giữa đất trời mùa Xuân với Tổ quốc và Nhân dân, sự thống nhất giữa ý Đảng – lòng Dân với khí thế mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh mới và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022. Tết, Xuân đang đến rất gần trên quê hương, đất nước Việt Nam, năm mới tràn ngập mỗi gia đình.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và phản động lại không muốn chúng ta vui Xuân đón Tết an vui, ấm áp. Chúng triệt để lợi dụng cơ hội người dân nghỉ tết, xum họp gia đình đoàn viên; khai thác tối đa mạng xã hội: Youtube, BBC, RFA, RFI, Za lô, Viber,…để tung tin xấu, độc nhằm tuyên truyền, chống phá Đảng ta, nhất là “kéo tụt cảm hứng” khi nhân dân ta chào đón, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu to lớn do Đảng lãnh đạo. Chúng ta không lạ gì âm mưu, thủ đoạn và các chiêu trò chống phá của chúng nhưng không khỏi chạnh lòng, thiếu an tâm khi trên các mạng mạng xã hội, nhan nhản tin xấu, độc, rả rả các luận điểm sai trái, thù dịch với nhiều hình ảnh xuyên tạc sự thật, nào là: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có giá trị thời Cụ Hồ còn sống” vì “vía thiêng của Cụ nên Đảng mới có chút thành công”, còn “sau khi Cụ Hồ qua đời, Đảng hả hê với chiến thắng lại liên tục vấp váp, mắc nhiều sai lầm về đường lối nên xô đẩy Việt Nam tụt dốc không phanh”, “Việt Nam tụt hậu, phát triển ì ạch, cơ bản dậm chân tại chỗ”, “Đảng không có công cán gì”, “Đảng không có năng lực lãnh đạo kinh tế”, “Toàn Đảng tham nhũng nặng”, “bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, v.v..
Trước sự chống phá quyết liệt, ráo diết của các thế lực thù địch, chúng ta buộc phải: vừa vui Xuân đón Tết Nhâm Dần, chào mừng Ngày thành lập Đảng, ôn lại quá trình lịch sử, những chiến công, tự hào về Đảng quang vinh, vừa phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động. Đây là niềm vui, hạnh phúc, lẽ sống cao đẹp có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân Việt Nam trong thời khắc thiêng liêng: Tết đến Xuân về, sự chuyển giao giữa năm cũ Tân Sửu và năm mới Nhâm Dần với tinh thần mới, khí thí mới của năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, nhận diện đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá ngày thành lập Đảng của các thế lực thù địch cốt để hạ thấp uy tín của Đảng ta là yêu cầu nóng bỏng trong thời khắc này; có hai vấn đề nổi cộm cần phải bác bỏ, phản bác lại:
Một là, các thế lực thù địch phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhân kỷ niệm 174 năm Ngày tác phẩm này ra đời (2-1848); qua đó, xuyên tạc lý luận mác xít về giai cấp và đấu tranh giai cấp để bài xích nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Chúng phủ định sạch trơn giá trị và ý nghĩa khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (viết tắt là Tuyên ngôn), cho rằng Tuyên ngôn là của quá khứ, chỉ phù hợp với thế kỷ XIX – XX, không phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không cần có trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Chúng cho rằng, quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen đã cũ, lỗi thời, là của quá khứ và toàn bộ tư tưởng nêu trong Tuyên ngôn không còn sức sống nên giai cấp công nhân hiện đại không cần Tác phẩm này. Lý lẽ sai trái và sự ngụy biện của chúng thể hiện ở việc: (1) Cố tình thổi phồng sự kiện chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, để vu khống sự “cáo chung” của học thuyết mác xít về đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, tung tin rằng Tuyên ngôn không còn lý do gì để tồn tại trong thế giới đương đại. (2) Đã kết thúc vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân bởi giai cấp này không còn là giai cấp trung tâm của thời đại. Khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức đã đưa trí thức lên vị trí trung tâm, lãnh đạo thế giới. (3) Đã kết thúc lý luận mác xít đề cao vai trò quyết định của sản xuất vật chất, của đại công nghiệp cơ khí và lao động cơ bắp. Thời nay, trí thức, chất xám và vị thế của nền kinh tế số, kinh tế tri thức quyết định sự phát triển của xã hội. (4) Hiện nay, trí thức đã trở thành những người chủ sản xuất, được trả lương hậu hĩnh, có cổ phần ở công ty, có tài sản, sống sang trọng, đài các. Trong chế độ tư bản không còn đối kháng giai cấp, không còn mâu thuẫn giai cấp, cho nên không cần phải đấu tranh giai cấp. Vì vậy, “không còn chỗ cho Tuyên ngôn tồn tại, chủ nghĩa Mác đã hết thời”.
Cùng với đó, chúng phủ nhận tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin, khếch đại tư tưởng “hiếu chiến”, tuyên truyền tính bạo lực, “sự đẫm máu” của Tuyên ngôn khi cho rằng C. Mác và Ph. Ăngghen vì muốn mau chóng giành thắng lợi trước giai cấp tư sản nên “đã tuyệt đối hóa vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp”, coi nó là tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn nên coi thường vấn đề dân tộc và đấu tranh dân tộc. Vì sự xem nhẹ đấu tranh dân tộc, dẫn đến hệ quả: hầu hết các Đảng Cộng sản đã nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp, không quan tâm phát triển sản xuất cũng như văn hóa, xã hội nên sớm bị sụp đổ, v.v.. Với cái nhìn phiến diện, một chiều, đầy thiên kiến, cảm tính, các thế lực thù địch đã tầm thường hóa, hạ thấp vai trò của Tuyên ngôn, lờ đi những giá trị khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn.
Để phản bác lại quan điểm sai trái ấy, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: Giai cấp vô sản cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân. Vì thế, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc…”[1]. Các ông dạy rằng, cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản không phải là cuộc đấu tranh dân tộc nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc bởi trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán cho xong giai cấp tư sản nước mình đã. Lý tưởng cao đẹp của giai cấp vô sản không chỉ là giai phóng giai cấp mà còn phải giải phóng xã hội, giải phóng con người, giải phóng nhân loại. Nếu giai cấp vô sản muốn giải phóng mình thì phải đồng thời giải phóng cả xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công.
Chưa hết, chúng còn vu cáo Tuyên ngôn của C. Mác và Ph. Ăngghen đòi xóa bỏ ngay mọi hình thức tư hữu. Với quan điểm sai trái này, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền theo kiểu “nhồi sọ”, làm cho nhiều người hiểu sai học thuyết Mác về tư hữu và xóa bỏ tư hữu. Hơn thế, nhiều người đã hiểu không đúng về C. Mác và Ph. Ăngghen và căm thù các ông. Vạch trần sự xảo trá này, C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định: Dưới chủ nghĩa xã hội không bao giờ có chuyện xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà chỉ xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản “dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”[2]. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen: sự tồn tại chế độ người áp bức, nô dịch người trong xã hội có đối kháng giai cấp là một thực tế khách quan bởi nó là một hiện tượng xã hội, mang tính lịch sử, do sự phát triển của sức sản xuất sinh ra và quy định. Vì vậy, người ta không thể vì nóng vội mà đòi thủ tiêu chế độ tư hữu ấy ngay lập tức vì người ta “không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”[3].
Những luận điểm sai trái, ngông cuồng nêu trên là hết sức phi lý, không thể chấp nhận, chúng ta phải kiên quyểt đấu tranh để vạch trần sự ngụy biện xảo trá, lừa bịp ấy; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ giá trị khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn.
Thứ hai, chúng phủ nhận kết quả, thành tựu do Đảng ta lãnh đạo nhằm, hạ thấp uy tín, vị thế, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Các thế lực thù địch cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam có được ngày nay là do ăn may”, vì “Đảng không có tài cán gì”, “có được thành tựu trong chiến tranh và trong đổi mới là do sự tình cờ, ngẫu nhiên, do thời thế đem lại”. Sự thật là, ở Việt Nam không bao giờ có chuyện kết quả, thành công của cách mạng lại là “sự ngẫu nhiên, tình cờ”; cũng chẳng bao giờ có chuyện hoang đường: Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sau đó lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đổi mới toàn diện đất nước hơn 35 năm, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử lại là “chuyện may rủi”, “tình cờ”. Nếu “Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực lãnh đạo đất nước”, thì không thể có uy tín, vị thế to lớn trên trường quốc tế, được bạn bè quốc tế đánh gia cao; nhân dân cả nước tin theo, đồng tình, ủng hộ.
Ai cũng biết sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự vận dộng, phát triển chín muồi của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, là một tất yếu lịch sử, gắn với hành trình tìm con đường cứu nước, cứu dân và công lao vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bế tắc về đường lối chính trị, khủng khoảng về lực lượng lãnh đạo; đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi phải đưa phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX đi theo lý tưởng cộng sản, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Thực tế đã chứng minh, sau 15 năm thành lập và phát triển, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng “đổi đời” thành công. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời, có tên trên bản đồ thế giới, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là minh chúng thuyết phục nhất, tin cậy nhất vì đã được cả thế giới công nhận, để bác bỏ mọi tin đồn, sự xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn lại 35 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Mặc dù chịu tác động tiêu cực và rủi ro của kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP trước khi Covid-19 diễn ra đạt trên 7%, cao hơn kế hoạch đề ra, Việt Nam được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nằm trong nhóm 20 nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 2,58%. Nhờ có chính sách xã hội tốt, rất ưu việt nên Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất về xóa đói giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển.
Cùng với đó, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc, rất tin cậy để Đảng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với gần 200 nước trên thế giới. Trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực với uy tín cao.
Tất cả điều đó đã được khẳng định, đang làm cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động “sôi lên như đỉa phải vôi”, không thể chịu đựng nổi những chiến công, thành tựu to lớn do Đảng ta lãnh đạo, đất nước không ngừng phát triển; uy tín, vị thế của Đảng ngày càng tăng cao.
Nếu ai đó vẫn “đội mũ ni che tai”, vẫn theo thói xấu “ngựa quen đường cũ”, vẫn cao giọng xuyên tạc, bài xích, phủ nhận vai trò của Đảng thì hãy nghiên cứu kỹ hơn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam. Hãy giữ lại chút lương tâm con người, mở rộng tầm mắt, dũng cảm chứng kiến sự thật đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam; nó đang từng ngày “thay da đổi thịt”, phát triển mạnh mẽ, nhân dân ta dẫu chưa thật giầu sang nhưng sống bình an hạnh phúc; biết trân quý, yêu chuộng hòa bình, thân thiện, xã hội Việt Nam an toàn, được bạn bè quốc tế… ghi nhận, khâm phục, đánh giá cao. Thành tựu ấy, chân lý ấy sao có thể nói “lộng ngôn” là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là lạc hậu, lỗi thời, Đảng Cộng sản Việt Nam không có năng lực lãnh đạo? Đừng nghĩ vì người dân vui Xuân đón Tết, có chút men rượu say mà nói bừa nói ẩu, “nói lấy được”./.
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.1995, tập 4, tr. 615.
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.1995, tập 4, tr. 615.
[3] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.1995, tập 4, tr. 469.
Nhận xét
Đăng nhận xét