Đừng lún sâu vào “vũng bùn” của nhận thức sai trái
Nhân Văn
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, những người thiếu thiện chí, cơ hội, bất mãn chính trị, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã mở chiến dịch công kích, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đặc biệt là chĩa mũi nhọn vào chống phá lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Vì sao họ lại cố tình bài xích, phủ nhận những vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là lý luận về đường lối đổi mới, về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta? Vì sao họ ra sức xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn?
Trong bối cảnh mới, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng và tạo sức lan tỏa bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Luận điệu sai trái cho rằng: Việt Nam cần phải lựa chọn con đường khác chứ không phải là tiếp tục đi theo con đường CNXH, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Thay đổi mục tiêu, con đường, định hướng phát triển lúc này là rất cần thiết, mới thật sự có sự đổi mới, người Việt Nam sẽ có điều kiện để hòa nhập, hội nhập quốc tế, mau chóng thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trở thành con rồng ở châu Á.
Theo quan điểm của các phần tử cơ hội, bất mãn chính chị, đối lập: con đường “ngắn nhất, phù hợp nhất” đối với Việt Nam bây giờ là bắt tay “làm ăn” với các nước tư bản phát triển, nhờ sự giúp đỡ của các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trên thế giới để phát triển đất nước. Những người tự xưng là “cấp tiến” này đưa ra nhiều luận cứ khác nhau để minh chứng cho luận điểm, rằng các nước trước đây đã từng là chủ nghĩa xã hội như Balan, Hunggari, Bungari… ở Đông Âu vì đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bắt tay với Mỹ, gia nhập NATO và được các tập đoàn kinh tế lớn trợ giúp nên đã “lột xác” phát triển thần tốc, đất nước họ đã mang bộ mặt hoàn toàn mới, người dân có cuộc sống sung sướng, tự do.
Từ đó họ khẳng định “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử”, là “sự thật khách quan”, “cách đi như vậy mới thực sự là đổi mới, hợp thời”, là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Một mặt, tránh được sự bao vây, phong tỏa, cấm vận của một số nước lớn, tạo được môi trường “hòa bình, ổn định” để mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Nếu Việt Nam “tự lột xác” để đi theo con đường “phát triển đột phá ấy” chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và chuyên gia, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được tăng cường, không cần phải chờ đợi quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia và tích lũy vốn dài lâu. Đó là cách giúp Việt Nam sớm chuyển mình, phát triển, chấm dứt sự lạc hậu, yếu kém, theo đó, đất nước sẽ giàu có, phồn vinh, nhanh chóng vươn lên trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao.
Họ cho rằng với cách đi này, Việt Nam vừa không phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài, giữ được Biển Đông, vừa có điều kiện để tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước. Mặt khác, nếu Việt Nam bắt tay “làm ăn”, hợp tác với các nước lớn, gia nhập khối NATO thì đó là cơ hội, điều kiện tốt nhất để giảm chi phí đầu tư cho quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng Quân đội hùng mạnh mà không cần chờ đến năm 2030 mới xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại. Cùng hướng với quan điểm sai trái này là một số ý kiến cho rằng, Việt Nam tham gia khối NATO là cái đảm bảo chắc chắn nhất để có độc lập chủ quyền quốc gia – dân tộc. Thậm chí, sự lớn mạnh của đất nước là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp và răn đe các nước có mưu đồ thôn tính Biển Đông, làm thui chột âm mưu xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam, v.v..
Với những lập luận về “cái được”, “cái mất” nêu trên, những người có quan điểm “cấp tiến” đã gửi thư “tâm huyết” kiến nghị, yêu cầu Đảng, Nhà nước ta phải đổi mới tư duy và mạnh dạn huỷ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đẩy nhanh quá trình sớm kết thúc thời kỳ quá độ gián tiếp đầy “đau khổ” hiện nay. Khi những bức “tâm thư” không được Đảng, Nhà nước chấp nhận, những người có quan điểm đối lập đã quay lưng, trở mặt, nói xấu, xuyên tạc sự thật, cố tình bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, đưa ra các luận điệu phủ định thành quả và ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Tiếp tục phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự hoài nghi về bản chất khoa học, cách mạng, giá trị và ý nghĩa, tính đúng đắn, sáng tạo của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trước âm mưu, thủ đoạn hướng lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa của các thế lực cơ hội, phản động, trong quần chúng nhân dân, không phải tất cả mọi người đều nhận thức đầy đủ, sâu sắc và nhìn thấy thực chất vấn đề. Một số người đã mắc phải căn bệnh “cá nhân chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…; căn bệnh này đẻ ra mọi thói hư, tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, tham ô, không chỉ gây nguy hại, làm thoái hóa, biến chất con người và tổ chức, làm cho Đảng ta suy yếu, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dẫn đến tình trạng khinh thường, nhờn lý luận, phai nhạt lý tưởng, xa rời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, người mắc “bệnh chủ nghĩa cá nhân” cũng có nghĩa là đã bước ra khỏi đội ngũ của những người cộng sản, là đối tượng bị lôi kéo của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong thực hiện mưu đồ thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Tình trạng này đã và đang diễn ra với nguy cơ đáng lo ngại, nếu không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục, không được giáo dục, giải thích có cơ sở khoa học sẽ làm cho những người này ngày càng lún sâu vào “vũng bùn” của nhận thức sai lầm và những hành vi sai trái chống Đảng, Nhà nước; đồng thời, gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Đối với Việt Nam, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn là thực hiện chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, bởi vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự khái quát cao nhất cái đẹp của cuộc sống, hạnh phúc của con người, làm cho mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, được học hành tiến bộ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chỉ có đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì mới xóa bỏ được tận gốc tệ nạn áp bức, bóc lột, thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, giải phóng con người, bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và mọi người.
Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, việc xóa bỏ chế độ xã hội cũ đã lỗi thời, lạc hậu để xây dựng nên chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa, tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn không thể làm tức thời, mong muốn là có ngay kết quả, mà cần phải có thời gian nhất định, một thời kỳ quá độ để từng bước xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu còn rơi rớt lại; đồng thời, xây dựng và nuôi dưỡng những cái mới, cái tốt của chế độ xã hội mới.
Thực tiễn đã chứng minh, bài học về cái giá phải trả cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay được đánh đổi bằng sự hy sinh tuổi trẻ, xương máu của đồng chí đồng bào, của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ và những đau thương, mất mát bởi giặc ngoại bang xâm lược, từ đó sẽ tự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa. Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông, đời sống vật chất chưa thật giàu sang, sản xuất xã hội đang phát triển, song dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những chiến công hiển hách. Dân tộc Việt Nam ta đã ghi những mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc đã khắc ghi dấu ấn vào thời đại mới là một dân tộc đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mỹ; đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công.
Trong hoàn cảnh hiện thời, (1) Việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa, hưởng ứng, truyền cảm hứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó, cần xác lập cho được ý thức đạo đức cộng sản chủ nghĩa: “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Đúng như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa phải là người cách mạng, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Đây là điều mấu chốt, mang ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(2) Giữ vững lập trường giai cấp công nhân, tỏ rõ thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phấn đấu để nước ta sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là lời kêu gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; danh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta trong giai đoạn cách mạng mới.
(3) Các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên phải làm cho quần chúng nhân dân, những người thân trong gia đình hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX, vững vàng niềm tin trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. (4) Trang bị những kiến thức lý luận – thực tiễn cần thiết để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân “miễn dịch” trước các đòn tấn công ác hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch cả trong lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, xây dựng niềm tin, chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cũng như bình tĩnh, khôn khéo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những cám dỗ vật chất, giữ sạch phẩm chất, thanh danh người cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 hiện nay./.
Nhận xét
Đăng nhận xét