h thành
Ngày 19/7, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), Bộ TT&TT cho biết, website “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” tại tên miền https://11384vn.com có hình ảnh giao diện giả mạo Cổng thông tin của Bộ Công an (website tại tên miền https://bocongan.gov.vn).
Ngoài ra, năm 2020, trang mạng mạo danh giao diện Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an sử dụng tên miền 024113vn.com, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Sử dụng banner “Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an” nhưng phần liên hệ ghi “Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an Thành phố Hà Nội”. Trên trang giả mạo có 3 mục liên kết chính, gồm: Hồ sơ tìm kiếm; Hệ thống kiểm kê trực tuyến; Phần mềm giám sát an toàn.
Khi người dùng truy cập liên kết “Hệ thống kiểm kê trực tuyến”, trình duyệt sẽ mở ra giao diện yêu cầu người dùng khai báo một số thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, bao gồm: Tên ngân hàng, họ và tên, số CMND, tên đăng nhập và mật khẩu. Nếu người dùng truy cập liên kết “Phần mềm giám sát an toàn”, thiết bị sẽ tự động tải về 1 tập tin cài đặt ứng dụng (một tệp tin mã độc) có đuôi “.apk”.
Khi truy cập vào liên kết, người dùng sẽ nhận được thông báo bằng tiếng nước ngoài. Qua đó, phần mềm gián điệp này sẽ tự động thu thập tin nhắn (SMS và MMS), danh sách cuộc gọi, danh bạ điện thoại, thông tin điện thoại, trạng thái kết nối mạng của người dùng, rồi gửi ra máy chủ tại nước ngoài.
Trao đổi với Tiền Phong, kỹ sư Phan Văn Cần, chuyên gia công nghệ, Cty CP Sen Vàng phân tích, một trang báo hoặc cổng thông tin điện tử… những đối tượng có thể là giả trong vòng vài phút. Theo đó, những nội dung ở trang tin giả mạo giống hệt như trang báo chính thống. Lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người dân những đối tượng có thể làm giả trang thông tin của cơ quan, tổ chức sau đó bổ sung thêm bài viết nhằm mục đích lừa đảo, hoặc xuyên tạc tình hình an ninh trật tự…
Những đối tượng sẽ lợi dụng những thông tin lấy được để đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Với thủ đoạn tương tự, từ cuối năm 2019 đến nay, Cục A05, Bộ Công an đã phát hiện hàng chục trang tin giả mạo Cổng Thông tin điện tử, trang thông tin của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương.
Qua đó, Bộ Công an khuyến cáo đến người dân về hoạt động giả mạo các trang thông tin điện tử của lực lượng Công an nhân dân. Trang thông tin chính thức của Bộ Công an là Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an chỉ sử dụng 2 tên miền chính thức (là mps.gov.vn và bocongan.gov.vn), mọi tên miền khác nhân danh Bộ Công an đều là giả mạo.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, từ ngày 4/2 đến ngày 21/5, cục đã điều phối, chặn hơn 100 trang web giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính như: vn-sacombank.vn, sacombank.net.vn, iisacombank.com, v-acb.com, vcb.ebank-digibank.com, viettelpayvn.com, acb-online.cc, vietimbank.top, bidv-smartbank-online.com…
Chia sẻ với Tiền Phong, một cán bộ Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) cho biết, theo thống kê trên VCS của Viettel Cyber Security, từ tháng 1 đến tháng 6, hệ thống đã ghi nhận trên 3.000 địa chỉ tên miền lừa đảo, lạm dụng thương hiệu, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Vị cán bộ này khuyến nghị người dùng cẩn thận khi truy cập vào các trang web trên mạng, chỉ cần truy cập vào một website độc hại, người dùng có thể bị lây nhiễm mã độc vào máy tính của mình. Đặc biệt, để phòng tránh các thiệt hại gây ra bởi tấn công lừa đảo trực tuyến, người dùng tuyệt đối không click vào những link bất thường; trước khi điền mật khẩu phải kiểm tra kỹ địa chỉ trang web. Quảng Cáo
Tung tin giả về dịch bệnh COVID-19
Ngày 14/9, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) A Viết Sơn, đã yêu cầu công an vào cuộc xác minh người mạo danh ông để nhắn tin cho ông Đoàn Ngọc Hải (trú TP HCM) “xin” hỗ trợ gạo cứu trợ. Nội dung tin nhắn giả mạo như sau: “Dạ em là A Viết Sơn. Em là Chủ tịch UBND huyện Nam Giang”. Người này nhắn tin cho ông Hải nói rằng, hiện tại có hơn 40 hộ dân bị cô lập do mưa gió và sạt lở do bão số 5.
Sau đó, ông Đoàn Ngọc Hải xin số tài khoản của UBND huyện Nam Giang để chuyển 10 tấn gạo (quy ra tiền 130 triệu đồng). Nhưng thay vì cung cấp số tài khoản của huyện, người mạo danh này lại cung cấp số tài khoản của người khác có tên Nguyễn Văn Triều với chức danh “thư ký huyện”. Nghi ngờ có kẻ mạo danh ông Sơn nên ông Hải yêu cầu phải có số tài khoản của UBND huyện và không chuyển tiền hỗ trợ cho cá nhân.
Trước đó, tháng 2/2020, theo thống kê của cơ quan chức năng, facebook Đặng Như Quỳnh đã đăng tải gần 300 bài viết chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sau đó Cục A05, Bộ Công an vào cuộc xác định, chủ facebook Đặng Như Quỳnh trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tại cơ quan công an, Quỳnh khai, đã thu thập thông tin nóng về tình hình dịch bệnh từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, sau đó, chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt.
Xúc phạm cả thánh thần
Mới đây, YouTube có tên Thầy Long 098… (tên thật Lương Gia Long), tự xưng là Ngọc Hoàng đại đế, cháu ba đời của Hồng Quân lão tổ đã liên tục thực hiện các clip đăng tải nội dung mang tính chất xúc phạm nghiêm trọng đến hình tượng người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, trong nhiều clip, Lương Gia Long đã dùng những từ ngữ xúc phạm nghiêm trọng đức Thánh Trần.
Về sự việc này, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Bảo tồn Đạo Mẫu Việt Nam vừa có đơn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Cục An ninh văn hoá (Bộ Công an), Sở TTTT… để xác minh, xử lý theo quy định.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, sẽ chuyển thông tin báo phản ánh tới thanh tra sở để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Minh Đức
Nhận xét
Đăng nhận xét