Tọa đàm khoa học: “Những ý kiến tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (tiếp theo)
Chủ tọa: Mặc dù mang những giá trị tiến bộ của nhà nước pháp quyền, nhưng giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền tư sản có sự khác biệt về bản chất, xin GS, TS. Trần Ngọc Đường cho biết thêm về nhận định này trong bài viết của Tổng Bí thư?
GS, TS. Trần Ngọc Đường: Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” khi đề cập đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta nhận thức rằng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.
Theo tôi, nhận định quan trọng trên của Tổng Bí thư có các ý nghĩa sau:
Một là, phải nắm vững bản chất giai cấp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng.
Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Từ khi ra đời cho đến nay chỉ có 4 kiểu nhà nước: Nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa. Kiểu nhà nước là khái niệm thể hiện bản chất của các kiểu nhà nước khác nhau. Còn “nhà nước pháp quyền” là khái niệm để chỉ một hệ thống các quan điểm có tính lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức quyền lực nhà nước và tổ chức đời sống xã hội với thượng tôn hiến pháp và pháp luật là nguyên tắc tối cao. Nó không phải là một kiểu khà nước, nên khi nói đến nhà nước pháp quyền, các nhà tư tưởng thường đề cập đến các giá trị phổ quát sau đây:
– Nhà nước pháp quyền là phương thức hợp lý để thống nhất quyền lực nhà nước với quyền tự do của con người. Nhà nước đó có các đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất là: Hiến pháp và pháp luật giữ địa vị tối thượng trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội; quyền lực nhà nước có sự phân công rành mạch giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp; có cơ chế pháp lý hữu hiệu để chống lại sự tùy tiện và vi phạm quyền con người, quyền công dân từ phía nhà nước.
Tìm hiểu danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được niêm yết tại hội trường Ủy ban nhân dân thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà _Ảnh: Tư liệu
+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước từ tổ chức đến hoạt động đều phải dựa trên nguyên tắc: Hiến pháp và pháp luật phải giữ vị trí tối thượng; chủ quyền nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước, quyền con người, quyền công dân là các giá trị cao quý được nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng pháp luật.
Như vậy, theo quan niệm trên thì nhà nước pháp quyền có các giá trị phổ quát. Tuy nhiên, không vì thế mà cho rằng, các giá trị pháp quyền trong các kiểu nhà nước khác nhau không mang bản chất giai cấp khác nhau. Trong các kiểu nhà nước khác nhau, với bản chất giai cấp khác nhau thì pháp quyền, theo Tổng Bí thư, mang tính giai cấp sâu sắc và khác nhau về bản chất. Cũng là đề cao pháp quyền (đề cao sự thượng tôn hiến pháp, pháp luật), nhưng trong nhà nước pháp quyền tư sản thì đó là đề cao hiến pháp và pháp luật, trước hết thể hiện ý chí của giai cấp tư sản bảo vệ quyền và lợi ích của riêng giai cấp tư sản. Ngược lại, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta, đề cao pháp quyền là đề cao Hiến pháp và pháp luật, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đại đa số nhân dân lao động. Chính vì thế, pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về bản chất so với pháp quyền tư sản, là pháp quyền phải trở thành “công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”. Vì thế, trước hết phải nhận thức sâu sắc bản chất giai cấp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” như Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định.
Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta là nhà nước pháp quyền do một đảng – Đảng Cộng sản Việt Nam – lãnh đạo. Ở các nước pháp quyền tư sản là nhà nước pháp quyền đa đảng. Vì thế, trong hầu hết các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư đều nhấn mạnh phải “nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới”, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Hiến pháp năm 2013 quy định. Đây có thể nói là đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta khác biệt với các nhà nước pháp quyền của các nhà nước tư sản trên thế giới. Vì vậy, phải nắm vững đặc điểm này để một mặt bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mặt khác không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực cầm quyền để Đảng xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chủ tọa: Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… Đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội”. Vậy, tính ưu việt, những giá trị tiến bộ, nhân văn và việc xây dựng xã hội, văn hóa, con người xã hội chủ nghĩa… được thể hiện ra sao trong bài viết của Tổng Bí thư?
PGS, TS. Cao Thu Hằng: Các luận điểm trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đồng thời chỉ rõ đặc trưng và cơ sở nền tảng của xã hội xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Thứ nhất, về đặc trưng, sự phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự phát triển khách quan của xã hội loài người. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng định, sự vận động của các xã hội trong lịch sử là một quá trình lịch sử – tự nhiên và xu hướng vận động của loài người tất yếu sẽ dẫn đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó, giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình vận động đó, xét một cách tổng thể, xã hội phát triển sau bao giờ cũng cũng kế thừa những giá trị tiến bộ và tiến bộ hơn xã hội trước. Điều này cũng được Tổng Bí thư đề cập khi nhắc tới một số thành tựu, giá trị văn minh của nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, mà trong quá trình phát triển, xây dựng xã hội mới, chúng ta cần phải tiếp thu chọn lọc, nếu không, có thể rơi vào chủ nghĩa hư vô, phủ định sạch trơn; mặt khác, cần kiên quyết bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa, những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, Tổng Bí thư khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng không chỉ tiến bộ hơn các xã hội đã có trong lịch sử, mà còn là một xã hội nhân văn, khi những gì tốt đẹp nhất là dành cho toàn thể nhân dân, chứ không phải chỉ dành cho một nhóm người đặc quyền, đặc lợi như xã hội tư bản. Đây là sự khác nhau về bản chất giữa xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội tư bản nói riêng, các (kiểu, loại) xã hội đã tồn tại trong lịch sử nói chung.
Thứ hai, cơ sở nền tảng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chính là, để hướng tới xây dựng xã hội có các giá trị tiến bộ, nhân văn, cần dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Luận điểm của Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của lợi ích với tư cách nguồn gốc và động lực của sự phát triển xã hội. Song, ở đây không phải là lợi ích riêng của một nhóm người nào trong xã hội, mà là lợi ích chung của xã hội. Lịch sử đã chứng minh, nếu xã hội phát triển chỉ vì lợi ích riêng của một nhóm người nào đó thì tất yếu dẫn đến những mâu thuẫn xã hội, bất công và thậm chí là sự sụp đổ của xã hội đó. Xã hội là tổng thể những cá nhân riêng lẻ và mỗi người cần được tôn trọng như nhau, không thể nhân danh lợi ích chung mà bỏ qua lợi ích riêng; ngược lại, lợi ích của mỗi cá nhân là chính đáng, nhưng không thể là lợi ích vô độ, gây ảnh hưởng đến cá nhân khác và xã hội. “Lợi ích chính đáng” là lợi ích mà sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần giải quyết biện chứng, hài hòa các mối quan hệ lợi ích trên, tránh cực đoan hay dân túy.
GS, TS. Đinh Xuân Dũng: Về văn hóa, bài viết của Tổng Bí thư tổng kết, khái quát một cách cô đọng và căn cốt những quan điểm cơ bản của Đảng ta về văn hóa trong chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Có thể nêu tổng quát một số nội dung quan trọng sau:
Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một thành tố hữu cơ và giữ vị trí quan trọng trong nội hàm của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của Đảng ta. Từ đó có thể xác định rằng sẽ không có chủ nghĩa xã hội đích thực (hiện thực) nếu không xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để phát huy vai trò của văn hóa trong chủ nghĩa xã hội, trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững, cần phải làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, phát huy tối đa văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh của dân tộc, của đất nước và trở thành động lực của sự phát triển – ba vai trò đó gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vững chắc của dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Gắn chặt vai trò của văn hóa với nhiệm vụ xây dựng con người. Xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển văn hóa vì mục tiêu cao nhất là nuôi dưỡng, xây dựng các giá trị văn hóa trong nhân cách con người. Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Xử lý biện chứng các mối quan hệ trên là một yêu cầu và định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Xây dựng các giá trị căn cốt của văn hóa trong chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gồm: Phẩm chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự hòa quyện giữa hai phẩm chất đó tạo nên giá trị tổng quát của văn hóa Việt Nam; chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong nền văn hóa Việt Nam; nền văn hóa mang các giá trị tiến bộ, nhân văn; nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nền văn hóa biết tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại.
Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam _Ảnh: Tỉnh đoàn Quảng Ninh
Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người và phát triển văn hóa là một quá trình đấu tranh rất cam go, gian khổ, nên cần kết hợp giữa “xây” – “chống” và giải quyết biện chứng quan hệ này; nhận diện và xử lý cuộc đấu tranh giữa giá trị và phản giá trị; cần có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sáng tạo mới.
TS. Nguyễn Hữu Dũng: Về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thể hiện trong bài viết của Tổng Bí thư, theo tôi, đây là kết quả của sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 35 năm đổi mới, khẳng định chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng về giải quyết mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội trong chính sách phát triển quốc gia, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước, theo nguyên tắc “bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội”. Bởi vì, ngay từ Đại hội VI của Đảng, sau đó tiếp tục được kế thừa, phát triển trong các kỳ đại hội của Đảng sau này, đều chỉ rõ mối quan hệ biện chứng này, đó là: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”, do đó phải bảo đảm “sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”. Đó là vấn đề rất cơ bản phải được thể hiện và thực hiện trong từng bước đi và trong từng chính sách phát triển để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thế giới ngày nay đang hướng tới phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, công bằng và tiến bộ, bảo vệ tài nguyên, môi trường; coi con người là trung tâm của sự phát triển bền vững. Chiến lược tăng trưởng hướng tới chất lượng cao của APEC (năm 2010) cũng nhằm bảo đảm “tăng trưởng cân bằng, hài hòa, bao trùm, an toàn và trên cơ sở sáng tạo”. Như vậy, việc “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách phát triển” ở Việt Nam chính là sự tiếp cận ở tầm chiến lược phù hợp với xu hướng tiến bộ chung của sự phát triển bền vững và tăng trưởng hướng tới chất lượng cao, tăng trưởng bao trùm của cộng đồng quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững ở nước ta giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng bảo đảm duy trì về thực chất tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thể chế phát triển bền vững được hoàn thiện sẽ là hành lang pháp lý, là công cụ, phương tiện xây dựng thành công một xã hội Việt Nam hoà bình, thịnh vượng, phát triển bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững, là điều kiện quan trọng để hiện thực hoá và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Chủ tọa: Bài viết của Tổng Bí thư nêu bật bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng như thế nào, thưa GS, TS. Hoàng Chí Bảo?
GS, TS. Hoàng Chí Bảo: Trong lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vấn đề dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có vị trí nổi bật, có tầm quan trọng đặc biệt.
Trải qua chặng đường 35 năm, công cuộc đổi mới ở nước ta thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu của dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp đổi mới ngay từ đầu đã gắn liền với dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, là xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng văn hóa và con người, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Dân chủ là mục tiêu, động lực của đổi mới, mục tiêu và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Lý luận về chủ nghĩa xã hội mà hạt nhân là lý luận dân chủ được Đảng và nhân dân ta không ngừng tìm tòi, phát triển trên quan điểm đổi mới, sáng tạo, được thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng (năm 1991, 2011), trong Hiến pháp, đặc biệt Hiến pháp 2013 và qua các văn kiện đại hội của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII gần đây. Việc phát hiện quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường kỷ cương, bảo đảm pháp chế xã hội là một phát hiện quan trọng, bổ sung và hoàn thiện các mối quan hệ lớn, thể hiện quy luật của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Các tác phẩm lý luận của Tổng Bí thư gần đây dành sự quan tâm đặc biệt tới dân chủ và vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo năng lực lãnh đạo và quản lý, năng lực, phẩm chất và uy tín của cán bộ đảng viên, niềm tin của dân là tài sản vô giá của Đảng, của chế độ, phải không ngừng gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Đồng bào dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nghe phổ biến về pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 _Ảnh: TTXVN
Muốn thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, dân tộc cường thịnh và trường tồn thì phải phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo ở trong dân, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Để làm rõ hơn bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được từng bước xây dựng và hoàn thiện ở Việt Nam, trong điều kiện và hoàn cảnh của nước ta, cần nhấn mạnh thêm những điểm sau đây:
Thứ nhất, điểm nổi bật và quan trọng nhất, bao trùm toàn bộ nội dung, hình thức, phương thức xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những điều kiện, giải pháp xây dựng dân chủ ở nước ta là “Dân là chủ và dân làm chủ”. Đó là vị thế người chủ và năng lực thực hành dân chủ của người dân. Đây là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quan niệm khoa học ở tầm kinh điển, kết tinh giá trị truyền thống dân tộc và tinh thần thời đại về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin đề cập đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Dân là gốc của nước”. “Bao nhiêu lợi ích là thuộc về dân. Bao nhiêu quyền hành cũng là của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Dân xây dựng đoàn thể từ xã tới Trung ương. Dân tổ chức chính quyền từ Trung ương tới xã… Dân là chủ thì Chính phủ, công chức là đầy tớ của dân. Dân đã có quyền làm chủ thì cũng có nghĩa vụ của người chủ.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là trình độ phát triển hiện đại trong lịch sử tiến hóa của các nền dân chủ. Là dân chủ của số đông, của đa số nhân dân, là thành quả vĩ đại của giải phóng, là động lực mãnh liệt của phát triển, là thước đo nhân văn của lịch sử văn hóa nhân loại.
Thứ hai, để bảo đảm bản chất đó của dân chủ xã hội chủ nghĩa, phải làm cho nền dân chủ được xây dựng thấm nhuần đầy đủ và sâu sắc nhất hai đặc trưng: Tính pháp lý và tính nhân văn. Đây là sự phát triển mới về chất các thuộc tính này so với các nền dân chủ trong lịch sử, là sự kế thừa có chọn lọc và phê phán dân chủ tư sản, đồng thời phủ định biện chứng dân chủ tư sản.
Thứ ba, dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm lợi ích và quyền làm chủ thực chất của nhân dân lao động. Nó quy định nội dung toàn diện của dân chủ: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, trong các quan hệ: cá nhân gắn với cộng đồng, lợi ích gắn với trách nhiệm, quyền hạn gắn với nghĩa vụ, bổn phận.
Thứ tư, thiết chế quan trọng nhất để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thể chế quan trọng nhất là pháp luật. Lịch sử Nhà nước gắn liền với lịch sử lập hiến, lập pháp và giám sát để kiểm soát quyền lực. Dân là chủ thể gốc của mọi quyền lực, dân ủy quyền và kiểm soát việc thực hiện quyền mà nhân dân trao cho Nhà nước để phục vụ nhân dân và xã hội.
Thứ năm, dân chủ xã hội chủ nghĩa có sức mạnh bảo đảm từ kinh tế, văn hóa, trong đó có đạo đức của công chức và đạo đức công dân, đạo đức xã hội (kinh tế thị trường hiện đại là động lực phát triển rất quan trọng của dân chủ).
Thứ sáu, dân chủ không chỉ ở trong chính thể, thể chế mà còn trực tiếp ở cơ sở. Quy chế, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở ở Việt Nam thực sự là đạo luật dân chủ, một nét đặc sắc của dân chủ ở Việt Nam.
Thứ bảy, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù: (1) Do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền. Hệ thống chính trị nhất nguyên, một đảng cầm quyền. Hiến định và chế định trong Hiến pháp, luật pháp. Cơ chế bảo hiến và phòng ngừa vi hiến; (2) Dân chủ đại diện, một viện (Quốc hội), không lưỡng viện, do không đa đảng; (3) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Quyền lực tập trung, thống nhất, phân công, phân quyền, phối hợp, không tam quyền phân lập; (4) Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời áp dụng hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc, làm phong phú phương thức thực hiện dân chủ ở Việt Nam. Ở cơ sở, chú trọng tự quản bằng văn hóa hương ước truyền thống.
Thứ tám, để xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa phải kết hợp dân chủ với đoàn kết và đồng thuận. Nổi bật vai trò dân vận và chất lượng đạo đức công chức, kỷ luật công vụ, thực hành văn hóa trọng dân, trọng pháp.
Thứ chín, nhân dân chủ động xây dựng nền dân chủ, thực hành dân chủ, trong đó chủ động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Thứ mười, các điều kiện bảo đảm phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa: Chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để thực hiện và phát huy dân chủ.
Đó chính là hiện thực hóa giá trị pháp lý và giá trị nhân văn của dân chủ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét