Tiếp viên hàng không, sinh viên… trong tâm dịch tình nguyện chăm sóc cho những em bé có mẹ là F0. Họ đã bật khóc vì hạnh phúc khi thấy những đứa trẻ mình chăm bẩm nhiều ngày qua được cha mẹ đón về.
Trường Mầm non Họa Mi 2 được trưng dụng tạm thời làm Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) hoạt động gần một tuần nay. Đây là nơi chăm sóc cho 58 trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5, TPHCM).
Cô Nguyễn Thị Hồng Quế – Hiệu trưởng trường Mầm non Họa Mi 2 cho biết, hiện trường đang có 40 tình nguyện viên ăn ở tại chỗ, chăm sóc cho các bé có mẹ là F0. Tình nguyện viên là các tiếp viên hàng không, giáo viên mầm non, sinh viên, đoàn viên,… tuổi từ 18 đến 44.
“Ban đầu có 22 tình nguyện viên đủ các ngành nghề, các bạn chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em, vì nhiều bạn còn trẻ chưa có gia đình, nên nhà trường và bệnh viện đã tập huấn rất kĩ trước khi cho các tình nguyện viên tham gia. Sau đó số lượng các bé sơ sinh được đưa tới nhiều hơn. Nhà trường đã vận động thêm được 18 giáo viên mầm non ở các trường khác tới để tham gia hỗ trợ chăm sóc các bé”, cô Hồng Quế cho biết.
Những đứa trẻ sơ sinh từ vài ngày cho tới một tháng tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E đều là con của các sản phụ F0. Hiện gia đình chưa thể đón về vì mẹ đang điều trị tại bệnh viện, gia đình nhiều người mắc Covid-19, không có người thân chăm sóc.
Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp), do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên không còn nhiều chuyến bay, Hằng đã xin nghỉ phép để tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch.
Ban đầu Hằng đăng ký hỗ trợ ở các điểm tiêm vắc xin của phường, nhưng khi thấy thông báo của Bệnh viện Hùng Vương đăng tuyển tình nguyện viên chăm sóc cho trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0, Hằng ngay lập tức đăng ký tham gia.
“Ngày đầu tiên tới đây, khi nhìn thấy những đứa trẻ được bệnh viện đưa tới, ai cũng vui, cũng muốn ôm các bé vào lòng ngay. Rồi khi mình ôm đứa trẻ đầu tiên vào lòng, mình đã nghĩ đây như là con mình rồi. Mọi người trong phòng cứ đùa với nhau đây là còn tui, con của tui rồi. Không biết sau này mình có con ruột thì cảm xúc như thế nào, nhưng hiện tại mình thấy các bé như là người thân của mình vậy”, Thu Hằng chia sẻ.
Những ngày qua, nhiều trường hợp có gia đình tới đón về nhà, những “người mẹ” ở đây tỏ rõ sự lưu luyến, nhớ thương khi nhìn thấy những đứa “con nuôi” của mình về với cha mẹ ruột.
Sáng 30/8, thêm bé sơ sinh có mẹ F0 được về với gia đình, bé Quyên (tên các bảo mẫu gọi theo tên mẹ ruột của bé) được Thu Hằng tự tay bế ra cho gia đình bé nhận về. Ánh mắt đầy lưu luyến của Hằng khi nhìn đứa trẻ khiến nhiều người khác cũng rưng rưng theo.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Nghĩa (cũng là người trực tiếp chăm sóc cho bé Quyên) khóc nghẹn khi biết gia đình bé tới đón về nhà, Thu Hằng liền tới an ủi và động viên người đồng nghiệp của mình.
Không kìm được cảm xúc, Hằng cũng bật khóc ngay sau đó, những giọt nước mắt yêu thương trực trào trên mắt nữ tiếp viên hàng không.
“Thấy các con được gia đình tới đón về, được mẹ ruột tới ôm ấp vào lòng mình cũng thấy vui, hạnh phúc lắm. Từ nay các con sẽ được mẹ ruột của mình chăm sóc, bù đắp, nhưng cũng buồn rất nhiều, vì mình đã chăm các con nhiều ngày, biết tới từng thói quen ăn, ngủ của con, giống như con của mình rồi, nên khi xa các con thì lưu luyến lắm, không nỡ”, Thu Hằng nói trong nghẹn ngào.
Chị Đoàn Thị Quyên (quê Bạc Liêu) từ là F0 và được điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương. Sau khi khỏi bệnh, cô và gia đình đã tới Trung tâm H.0.P.E để đón con trai của mình về nhà chăm sóc, sau nhiều ngày chưa được nhìn thấy con.
“Tôi hạnh phúc lắm, kể từ lúc tôi mắc Covid-19, đã rất lo lắng cho con vì khi đó còn chưa sinh, chỉ sợ con cũng mắc Covid-19, nhưng may mắn là con không sao, còn được bệnh viện và các cô bảo mẫu ở đây chăm sóc rất tốt, nhìn thấy con khỏe mạnh là hạnh phúc lắm”, chị Quyên chia sẻ.
Nhiều bé sơ sinh là con của F0 cũng được gia đình tới đón về nhà sau khi được các bảo mẫu ở trung tâm H.O.P.E chăm sóc trong nhiều ngày qua. Khi tới nhận con, gia đình các bé sẽ phải chứng minh đầy đủ thông tin cá nhân, bệnh viện sẽ xác thực và lưu trữ lại toàn bộ thông tin, hình ảnh của các bé và người nhà để tránh trường hợp trao nhầm.
Thu Hằng kể lại, ngày đầu tiên khi chăm sóc các bé cũng khá bỡ ngỡ, vì bản thân cô chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Nhưng chỉ đến ngày thứ 2, mọi việc đã thuần thục.
“Khi mình chăm các con quen rồi, sẽ biết từng cử chỉ nhỏ nhất của từng đứa. Thích bú khi được ôm, thức dậy giờ nào, đứa nào uống sữa nhiều hay ít,… nhớ rất kĩ. Đặc biệt là khi mình tự tay chăm sóc các con, thấy con lớn lên từng ngày thì hạnh phúc vô cùng”, nữ tiếp viên hàng không cho biết.
Lê Ngọc Kim Tuyền (22 tuổi, sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) vừa làm công việc bảo mẫu được 5 ngày. Tuyền cũng là người “mẹ nuôi” nhỏ tuổi nhất ở trung tâm H.O.P.E.
“Sau khi em đọc được thông báo của Bệnh viện Hùng Vương tuyển tình nguyện viên, thì em đã đăng kí ngay mà không nghĩ gì nhiều, giấu cả gia đình để đi vì sợ ba mẹ lo lắng, tới khi vào chăm sóc các con được 2 ngày rồi mới giám nói với gia đình, may là ba mẹ không trách gì mà còn động viên cố gắng để chăm sóc cho các con nữa”, Tuyền vui vẻ nói.
Kim Tuyền kể, những ngày đầu nhân lực còn ít, số lượng bé sơ sinh nhiều nên khá vất vả, mỗi người phải chăm 6-7 bé một lúc. Những ca trực đêm kéo dài 15 tiếng thì không giám chợp mắt, luôn phải túc trực bên các bé.
“Đêm xuống thì các bé khóc như dàn đồng ca, bọn mình chưa có kinh nghiệm nên ban đầu hơi lúng túng, nhưng sau được các cô điều dưỡng hướng dẫn, rồi có kinh nghiệm hơn, giờ cũng đã quen” Tuyền cho hay.
Theo Tuyền, thời điểm dịch căng thẳng này, kinh nghiệm không phải là thứ quan trọng nhất, mà là tinh thần kiên quyết và đặc biệt là tình thương mới là thứ cần nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét