TIN GIẢ VỐN DĨ ĐÃ LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN, HUỐNG CHI LẠI LÀ NHỮNG TIN GIẢ GIEO RẮC SỰ HOANG MANG Ở VÀO THỜI ĐIỂM MÀ ĐA SỐ NGƯỜI DÂN ĐỀU ĐÃ QUÁ MỆT MỎI VỚI NHỮNG HỆ LỤY TỪ DỊCH BỆNH COVID-19.
Những ngày này, cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 khi các ca mắc mới có ngày lên tới vài nghìn ca. Bên cạnh các tin tức về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp được nhiều người quan tâm, thì việc xuất hiện những thông tin giật gân liên quan đến dịch bệnh cũng khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng. Điều đáng nói là những thông tin này sau khi được kiểm chứng hoàn toàn không có thật.
Tin giả vốn dĩ đã là điều không thể chấp nhận, huống chi lại là những tin giả mang tính kích động, gieo rắc sự hoang mang, thậm chí là sợ hãi, ở vào thời điểm mà đa số người dân đều đã quá mệt mỏi với những hệ lụy từ dịch bệnh. Cố tình tìm cách lan truyền những thông tin như thế này liệu có thể coi là tội ác? Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn “virus kém văn minh” này?
Theo nhà tâm lý xã hội PGS.TS Phạm Mạnh Hà việc lan truyền những thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người và thậm chí ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống dịch.
“Tin giả về dịch bệnh gây tác động tâm lý rất lớn, gây hoang mang, gây mất niềm tin vào chính quyền và từ đó dẫn đến những hành vi lệch lạc. Có thể ví việc lan truyền thông tin không chính xác như việc lan truyền virus độc hại, nó rất đúng với câu thành ngữ “sai một ly, đi một dặm”, mà trong trường hợp này là sai một ly đi rất rất nhiều dặm” – PGS TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Thực tế, trong những ngày vừa qua trong lúc đang phải căng mình chống dịch, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn phải liên tiếp bác bỏ hàng loạt thông tin không chính xác. Hay mới đây UBND TP Hà Nội cũng phải tiến hành xử phạt nhiều vụ đưa thông tin giả. Nhưng thật đáng tiếc, vẫn cứ tiếp diễn xảy ra những vụ vi phạm.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên phải kể đến là nhu cầu thông tin, nhu cầu hiểu biết những sự việc xảy ra trong cuộc sống của đông đảo công chúng, nhất là trong giai đoạn có những khủng hoảng, dịch bệnh, thiên tai… trong khi những nguồn tin chính thống không đủ độ phủ so với nhu cầu của người dân. Hơn nữa không loại trừ rất nhiều người lợi dụng mạng xã hội để trục lợi cá nhân.
Có thể ví rằng việc gây hoang mang dư luận còn nghiêm trọng hơn nhiều lây lan virus dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh với những trường hợp lan truyền tin giả. Nhưng ở góc nhìn ngược lại, nhiều người lại biện minh rằng việc lan truyền những thông tin thất thiệt, nhất là những thông tin về bệnh dịch COVID-19 là do sự lo lắng và thậm chí đó là một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm với việc chung tay chống dịch, để người dân không chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng “chúng ta không thể biện minh cho hành vi này dù là thể hiện tinh thần trách nhiệm. Bởi chúng ta đã có câu “nhiệt tình nhưng kém hiểu biết sẽ trở thành phá hoại”, thế nên, dù là vô tình hay cố ý thì việc chia sẻ, lan truyền những thông tin thiếu chính xác vẫn là vi phạm”.
Hiện nay, chúng ta đã có luật an ninh mạng, đã có những chế tài xử phạt hành chính nhưng việc lan truyền thông tin hoang mang vẫn cứ tiếp diễn. Vậy, ngoài chế tài và hành lang pháp lý, chúng ta cần có “vaccine” nào để ngăn chặn được “virus gây hoang mang” này?
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, mỗi người dân chúng ta khi sử dụng mạng xã hội cần trang bị kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của môi trường mạng. “Liều thuốc tốt nhất mà mỗi cá nhân phải có, đó là phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết về sử dụng mạng xã hội. Cùng với đó là xây dựng và sử dụng các công cụ công nghệ để lọc thông tin, điều này không khó đối với các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ mạng xã hội”.
“Ví dụ có thêm một câu hỏi, hoặc một khoảng thời gian nhất định trước khi bấm vào nút share. Và một liều thuốc hữu hiệu không thể thiếu đó là các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng đừng bỏ mặc nhu cầu thông tin của người dân. Tôi tin rằng nếu chúng ta có đủ độ phủ các thông tin chính thống thì người dân sẽ không nghe theo tin giả”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nêu ý kiến.
Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều việc chúng ta nên làm để vượt qua đại dịch COVID-19, nhưng có một việc chúng ta đừng làm và không được làm, đó là lan truyền, gieo rắc những “virus gây hoang mang” khi chưa kiểm chứng thông tin. Bởi việc lan truyền này chỉ làm rối ren thêm chứ thực sự không giúp ích gì cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Thay vì mất thời gian cho những việc làm vô bổ đó, chúng ta có thể thực hiện những việc hữu ích hơn như là thu nạp kiến thức để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và chung tay với cộng đồng để chiến thắng đại dịch này.
Hãy là người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, ngay cả với những nút like, nút share của mình./.
Nhận xét
Đăng nhận xét