Bộ quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội gồm 9 điều vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17.6 nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam. Báo chí, truyền thông phải có đóng góp trong việc thực hiện Bộ quy tắc này trong xã hội.
Các quy tắc cơ bản
Tại Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được ban hành, Bộ TTTT chỉ ra:
Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân là: Tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
Các tổ chức, cá nhân cũng cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Quy tắc ứng xử khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước là: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định như đối với tổ chức, cá nhân; thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Vai trò của báo chí
Báo chí có vai trò quan trọng và tích cực trong việc thực hiện các Quy tắc mang tính chuẩn mực trên mạng xã hội.
Đầu tiên, để “các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy” thì báo chí phải là nơi sản xuất những bản tin chính xác, đáng tin cậy.
Trước thực tế là với sự phát triển của mạng xã hội mọi người dân đều có thể trở thành nguồn phát thông tin (hiện nay họ còn được nhắc đến dưới thuật ngữ là “nhà báo công dân”). Nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng, có lượt theo dõi lớn nên mỗi khi họ đăng tải một thông tin, nội dung đó sẽ có ảnh hưởng tới nhiều người vì có những người hâm mộ tin tưởng họ. Có rất nhiều ví dụ cho thấy công chúng đôi khi tin vào thông điệp của một cá nhân nào đó hơn là tin vào thông tin từ báo chí chính thống.
Tuy nhiên, với trách nhiệm xã hội của mình nhà báo với cơ quan báo chí nơi nhà báo công tác có vai trò rất lớn trong việc kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch và thoả mãn nhu cầu nhận thức về các vấn đề liên quan đến lợi ích của công chúng. Yêu cầu kiểm chứng ngày càng được đề cao bởi chính nhà báo, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn với công chúng, cắt nghĩa, phân tích xem thông tin đó thiếu chính xác dựa trên căn cứ nào.
Báo chí chính thống phải là cơ quan dẫn dắt dư luận xã hội, tạo ra dòng chảy thông tin chủ lưu bằng những tin tức chính xác, kịp thời. Đặc biệt, báo chí không được chạy theo mạng xã hội.
TS Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối và lấn át, nhất là việc khi thông tin các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Được cập nhật liên tục những công cụ, tính năng công nghệ mới, tự do sản xuất và dịch tin, bài, cung cấp thông tin không cần kiểm chứng, mạng xã hội ngày càng phát huy lợi thế về tốc độ đưa tin và tính liên kết, khiến báo chí có thể mất dần vị thế là kênh chủ đạo. Mặt khác, báo chí có nguy cơ bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, thậm chí có với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, dẫn đến thông tin sai sự thật, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của báo chí”.
Chính vì khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên mạng xã hội báo chí phải kiểm chứng, khi thấy đúng sự thật mới chính thống hóa thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới ngày một được nâng cao, mới góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, để người sử dụng mạng xã hội “khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt” thì báo chí phải là nơi đi đầu trong việc phát hiện và lan toả những thông tin này.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2019), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho báo chí: Báo chí phải tìm lại giá trị cốt lõi của mình, phải có tính cách mạng, đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, độc hại… Dòng chảy chính mà báo chí đang mang đến cho đất nước, đó là sự đồng thuận và tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội, của người dân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, của một Việt Nam thay đổi từng ngày”.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg yêu cầu “Các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính”.
Mặt khác, báo chí còn có nhiệm vụ phê phán những hiện tượng lệch chuẩn khi tham gia mạng xã hội, phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu, độc, phê phán dùng livestream để bôi nhọ, xúc phạm người khác…
Đó vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong vai trò dẫn dắt và định hướng xã hội, hướng người dân tham gia mạng xã hội thực hiện đúng các quy tắc vừa ban hành.
- Hội Nhà báo Việt Nam chấn chỉnh báo chí có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội
Hội đồng Xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) vừa có văn bản số 131/CV-HĐXL gửi lãnh đạo các cơ quan báo chí; Hội đồng Xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; Liên Chi hội Nhà báo; Chi hội Nhà báo trực thuộc.
Văn bản nêu, qua theo dõi của cơ quan chức năng Hội Nhà báo Việt Nam, thông tin từ các cơ quan chỉ đạo quản lý nhà nước về báo chí, thời gian gần đây một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: Phát trực tiếp (livestream) vụ việc, chia sẻ hình ảnh, video clip… để đăng tải những thông tin có nội dung chưa được kiểm chứng, kết luận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo không đúng với chất lượng, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Một số cơ quan báo chí tập trung khai thác thông tin đăng tải một cách thái quá, chưa tỏ rõ thái độ quyết liệt đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội; đã có hiện tượng hội viên nhà báo sử dụng trang thông tin cá nhân Facebook đăng tải các nội dung có tính chất cổ xúy, kích động dư luận ủng hộ cho các hành vi sai trái. Để chấn chỉnh hiện tượng này, Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đề nghị: Ban Biên tập, Hội Nhà báo, Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo các cơ quan báo chí tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo. Đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí kiểm tra chặt chẽ các điều kiện tham gia quảng cáo quy định trong Luật Quảng cáo; loại trừ các quảng cáo phản cảm, thiếu độ tin cậy, thổi phồng giá trị thật của sản phẩm. Yêu cầu người làm báo thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét