Năm điều không hiểu nổi về Phạm Đình Trọng
Trung Dũng
Trong khi 97 triệu đồng bào đang oằn mình chống đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, và cũng là lúc cả nước vẫn quyết tâm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng kế hoạch, để người dân bầu ra những đại biểu ưu tú của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, thì cựu đại tá, nhà văn Phạm Đình Trọng lại tung ra bài viết “Trả lại dân quyền làm chủ đất nước” để nói rằng: “Đảng tước đoạt quyền dân, biến người dân thành robot bỏ phiếu bầu ra đảng hội”. Đó là điều thứ nhất tôi không hiểu nổi.
Đọc lại bài thơ của chính ông, nhân ngày ông được đứng trước cờ Đảng, thề trung thành với Đảng, Tổ quốc và xúc động nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu- vị cha già dân tộc:
“Con vào Đảng vào ngày sinh của Bác
Mười chín tháng năm năm một ngàn chín trăm bảy mươi
Ba mươi tuổi Bác thành người cộng sản
Để cho con hai mươi sáu tuổi được là đồng chí của Người”.
Rồi nhân kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975, ông đã từng viết: “Chiến thắng năm 1975 là chiến thắng của ý chí dân tộc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Chiến thắng năm 1975, không phải là chiến thắng của miền Bắc với miền Nam mà là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam”. Và nhiều, nhiều nữa… ông theo Đảng, chiến đấu vì Đảng, ca ngợi Đảng và nhận quân hàm đại tá, hưởng nhiều bổng lộc của Đảng mà hôm nay ông lại viết: “Trong xã hội độc tài cộng sản, đại biểu Quốc hội và đại biểu mọi Hội đồng nhân dân đều do “đảng cử, dân bầu”. Thật mỉa mai và cay đắng cho quyền dân trong xã hội cộng sản”.
Đọc những dòng viết này của ông, người ta ngỡ đây là lời của một cựu đại tá Ngụy nào đó còn cay cú vì bại trận. Chị Võ Thị Sáu, một thiếu nữ 17 tuổi (chắc là không nhiều học như ông) dù ra đến pháp trường vẫn không từ bỏ con đường mình đã chọn. Người quân tử không ăn ở hai lòng phải không ông Phạm Đình Trọng! Đó cũng là điều thứ hai tôi không hiểu nổi về ông!
Điều 4, khoản 1, Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã quy định rõ: “Đảng CS Việt Nam- đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Theo Hiến pháp Việt Nam, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử, tham gia vào công tác bầu cử là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, là không vi hiến.
Là một người đã từng có 30 năm tuổi Đảng, lại là một sĩ quan cao cấp mà ông không hiểu được điều đó sao? Để rồi ông lại thở ra những lời lẽ xằng bậy: “Đảng sắp xếp cả đội hình ứng cử ở các điểm bỏ phiếu, để người của Đảng được sắp xếp vào các cơ quan dân cử đều chắc chắn trúng cử bằng cách trong đội hình ứng cử, bên cạnh các quan chức lừng lẫy tiếng tăm và chức quyền của đảng như những quả pháo đùng, đảng độn vào vài cái tên dân thường chẳng ai biết đến như những quả pháo lép”. Đó là điều thứ ba tôi không hiểu nổi!
Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử, mọi công dân Việt Nam nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đều có thể tự ứng cử. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế… đều có quyền giới thiệu người ứng cử.
Việc tổ chức ba vòng hiệp thương để chốt danh sách người ứng cử cũng là việc bình thường và nước nào cũng có cách làm tương tự để rà soát người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ra ứng cử. Công việc này ở mỗi nước được giao cho các cơ quan khác nhau đảm nhiệm, tùy theo đặc điểm, tình hình. Tại Việt Nam, công việc này được giao cho Mặt trận Tổ quốc, là tổ chức mang tính đại diện rộng rãi của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và các dân tộc… Người được giới thiệu hay người tự ứng cử có thể là đảng viên, có thể là người ngoài đảng nếu có đủ điều kiện và theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế qua các kỳ bầu cử cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử đã giành được sự tín nhiệm của cử tri nơi mình cư trú hoặc nơi công tác, học tập nên vượt qua vòng hiệp thương thứ hai; có tiêu chuẩn và tín nhiệm vượt qua vòng bỏ phiếu hiệp thương lần thứ ba để có tên trên danh sách phiếu bầu. Trong đợt bầu cử Quốc hội lần thứ XV này có 9 ứng cử viên tự ứng cử.
Thế nhưng, dưới cái nhìn của ông lại là : “Ý thức được quyền công dân, ý thức được trách nhiệm công dân đối với sự hưng vong của đất nước, người dân tự ứng cử vào Quốc hội, mang tấm lòng và trí tuệ đóng góp cho dân, cho nước thì nhà nước độc tài cộng sản liền vu cho là người dân có ý thức trách nhiệm công dân, dám giành lại quyền công dân của mình là thế lực thù địch” và “cả bộ máy chuyên chính vô sản khổng lồ và tàn bạo của đảng liền được vận hành loại bỏ người dân tự ứng cử bằng cách tạo ra tội mơ hồ, biến người dân lương thiện thành tội phạm hình sự, bị cách ly khỏi xã hội…” Đó là điều thứ tư tôi không hiểu nổi!
Là người từng phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, từng có hoài bão, từng cống hiến cho Đảng, một đại tá, nhà văn, thế nhưng giờ đây ông Phạm Đình Trọng lại là một kẻ chứa chất hận thù, xuyên tạc sự thật, gieo rắc vào xã hội những luận điệu sai trái, bịa đặt. Đó là điều thứ năm tôi càng không hiểu nổi!
Vậy xin mượn câu thơ (không biết có gọi là thơ không) của bác nhà thơ “chó mèo” Bảo Sinh để nhắn với cựu đại tá, nhà văn Phạm Đình Trọng:
“Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là … Nhà văn”?
Nhận xét
Đăng nhận xét