Tại Hội thảo bàn tròn khoa học vừa được tổ chức tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga theo chuyên đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiến tạo đất nước và kết quả Đại hội XIII”, Viktor Sumskiy, chuyên gia Đông phương học nổi tiếng của Nga, đồng thời là chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức độc đáo. Không chỉ trong khu vực mà cả trên tầm thế giới có rất ít tổ chức như Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn có thể thực hiện đồng thời nhiều “siêu dự án” chính trị phức tạp nhất: hoạch định và thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống thực dân, hoạch định và thực hiện công cuộc thống nhất đất nước bị chia cắt ngay trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, hoạch định và thực hiện thành công cuộc cải cách kinh tế – xã hội”.
Theo truyền thống, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga thường phối hợp cùng các đồng nghiệp Việt Nam tổ chức các cuộc thảo luận chuyên đề về những sự kiện quan trọng nhất trong đời sống đất nước. Lần này, hội thảo bàn tròn tiến hành theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học từ Viện Viễn Đông, Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện Kinh tế và Nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, các trường Đại học tổng hợp quốc gia Moskva, Saint-Peterburg, Tiumenskiy, Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc và Học viện Ngoại giao thuộc cơ quan đối ngoại của LB Nga.
Đại diện phía Việt Nam có các chuyên gia từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế và Học viện Tin học. Tham dự hội thảo bàn tròn lần này còn có các nhà nghiên cứu từ Đại học tổng hợp Tohoku (Nhật Bản), Viện Đông phương Paris và Đại học tổng hợp Lumiere Lyon (Pháp). Điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng khoa học quốc tế dành cho Việt Nam và thực tế mở rộng hợp tác quốc tế của giới khoa học Nga.
Bao quát loạt đề tài rộng lớn
Phân tích về các quyết sách của Đại hội XIII, các thành viên dự hội thảo đã thảo luận về những ưu tiên và nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tiến trình chính trị hiện đại bên trong đất nước, các mô hình và lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thực trạng thông tin-giáo dục, cũng như chính sách của Đảng cầm quyền trong lĩnh vực văn hóa, nhân khẩu và giáo dục thanh niên… Các báo cáo ghi nhận vai trò đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám và sự nghiệp giữ vững và phát huy thành quả cách mạng. Chuyên gia Ekaterina Koldunova, Giám đốc Trung tâm ASEAN tại trường Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) cho rằng:
“Việt Nam có ưu thế nền tảng nổi bật so với nhiều nước láng giềng trong khu vực về sự ổn định chính trị nội bộ và tính kế thừa liên tục về quyền lực chính trị. Trong khi hệ thống chính trị luôn do Đảng Cộng sản kiểm soát như trước đây, Việt Nam vẫn có thể hợp tác hiệu quả với các nước khác trong ASEAN và thiết lập cuộc đối thoại với nhiều đối tác quốc tế rộng rãi nhất, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và LB Nga. Đối mặt với những tình huống phức tạp về phát triển kinh tế và chính trị trong một thế giới đầy biến động, nước CHXHCN Việt Nam không đi theo con đường biệt lập, như một vài nước láng giềng trong khu vực, mà đã chọn lộ trình tích cực hội nhập liên kết vào các tiến trình quốc tế”.
Theo học giả Nicholas Chakpman đến từ Đại học tổng hợp Tohoku, chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam là sự chuẩn bị thuận lợi căn bản để đất nước chống chọi tốt với mọi sóng gió của tình hình quốc tế, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Tiến sĩ Vũ Thùy Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu, hội nhập quốc tế là hướng đi then chốt trong chiến lược đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2016-2021, đóng vai trò quan trọng to lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội và củng cố an ninh quốc gia của Việt Nam.
Chuyên gia Viktor Sumsky cho rằng, Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ chuyển từ giai đoạn lịch sử cách mạng sang giai đoạn phát triển tiến hóa. Bằng cách liên kết hội nhập với thế giới bên ngoài, tương tác với mọi đối tác có thể, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang cố gắng bảo toàn những thành quả cách mạng để tiến lên.
Các tiến trình chính trị nội bộ ở Việt Nam
Trong báo cáo của mình, GS.TS Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg, đã phân tích bài viết mới nhất của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. GS Kolotov nhấn mạnh những đặc điểm cơ bản trong hệ thống chính trị hiện đại của Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để đất nước tiến lên phía trước một cách hiệu quả: “Đó là nét ưu việt của hệ tư tưởng, không hề giáo điều cứng nhắc mà sinh động, phát triển, dựa trên cơ sở đặc tính quốc gia dân tộc. Ở đây, một mặt là tính cứng rắn của hệ thống quyền lực, còn mặt khác là tính linh hoạt, phức hợp của nền kinh tế. Chính quyền đảm bảo sự quản lý, nề nếp trật tự ổn định của chế độ, còn thực tế đan xen các thành tố khác nhau của cơ cấu kinh tế-xã hội và chính sách mở cửa đảm bảo sự phát triển cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.
Chuyên gia Grigory Lokshin, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông cho rằng, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và độ cởi mở ngày càng rộng của đất nước với thế giới bên ngoài đã dẫn đến những thách thức mới, như làm phức tạp cơ cấu xã hội, gia tăng phân tầng, làm nảy sinh những mâu thuẫn và xung đột mới trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng thông tin trên thế giới.
Phát biểu của nhiều diễn giả cho rằng tình trạng giảm sút niềm tin vào Đảng và Nhà nước, thực trạng thoái hóa của một bộ phận đảng viên và nạn tham nhũng hiện là những mối đe dọa chính đối với Việt Nam.
Đà phát triển kinh tế của Việt Nam
Hội thảo bàn tròn lần này còn có những tham luận rất thú vị về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ đầy kỳ vọng là đến năm 2045, đưa đất nước lên tầm vóc của các quốc gia phát triển với mức thu nhập cao. Dựa trên cơ sở dữ liệu thống kê, báo cáo của GS-TSKH Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, đã lưu ý đến những khó khăn trên chặng đường phấn đấu đạt tới các chỉ số đó: “Nâng cao trình độ khoa học và kỹ thuật-công nghệ, tăng năng suất lao động song hành với đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, là con đường trực tiếp để chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế chuyên sâu cấp tiến, nhưng sẽ kéo dài đến năm 2045. Chỉ e rằng, đến thời điểm đó, Việt Nam có nguy cơ rơi vào ‘bẫy thu nhập trung bình’ và những nước hiện coi Việt Nam là nhà cung cấp sản phẩm có thể quay sang các nhà sản xuất giá rẻ hơn”.
Báo cáo của chuyên gia Elena Burova từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN nhấn mạnh, do còn thiếu tính tổ hợp toàn diện trong việc giải quyết các vấn đề phát triển của ngành nông nghiệp, nên mặc dù có sự tăng trưởng đáng chú ý và thành tựu ấn tượng, nhưng hiệu quả nông nghiệp của Việt Nam vẫn thấp, năng suất lao động giảm và vấn đề lương thực vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình hình này, như các nhà nghiên cứu nêu ra, là chưa có cái nhìn toàn diện trong việc sử dụng đầu tư, sự hỗ trợ của chính phủ còn kém hiệu quả và thực trạng manh mún của canh tác nông nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo của nghiên cứu sinh Anna Dolinina từ Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva cho thấy đà phát triển thịnh vượng đã tác động thế nào để thay đổi xu hướng ẩm thực của người Việt Nam, đặt ra những thách thức mới với nông nghiệp và công nghiệp, cũng như gây hiệu ứng tiêu cực với môi trường và nảy sinh sự phụ thuộc vào kinh tế đối ngoại.
Trong tiểu ban lịch sử và văn hóa, các thành viên hội thảo bàn tròn quan tâm đến tình hình phức tạp của mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô hồi đầu những năm 1960 và cách nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những kinh nghiệm của Nam Tư, từ những năm 1943 đã vạch ra chương trình phát triển nền văn hóa của nước Việt Nam độc lập, về chính sách ngôn ngữ chưa toàn diện sâu sắc đã dẫn đến sự thiếu hụt như thế nào ở một quốc gia đa sắc tộc như Việt Nam, về những mâu thuẫn trên cơ sở ngôn ngữ, về những bản dịch đầu tiên của văn học Nga và Xôviết được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Báo cáo chi tiết của Sergei Ryazantsev, Giám đốc Viện Nghiên cứu nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, đã mô tả bức tranh nhân khẩu học của Việt Nam hiện đại và đưa ra những cảnh báo đáng chú ý về sự phát triển trên bình diện nhân khẩu học, trong đó có tỷ lệ sinh giảm, lão hóa dân số, gia tăng chênh lệch vùng miền và tập hợp cư dân quá đông ở các đô thị, cũng như nhu cầu chuyển đổi từ mô hình di dân lao động sang mô hình thu hút chuyên gia với trình độ chuyên môn cao.
Các báo cáo được trình bày tại hội thảo bàn tròn Moskva sắp tới sẽ được tập hợp trong chuyên đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam: 90 năm thử thách và thắng lợi”, nghĩa là sẽ có thêm những nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc về chặng đường gian khổ và vẻ vang mà đất nước Việt Nam đã trải qua và hiện đang đi tới./.
(Theo TTXVN)
Nhận xét
Đăng nhận xét