Trong bài viết trước, chúng tôi đã kể lại câu chuyện của một nhân chứng sống. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, được dựng làm “ngọn cờ” của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”. Giờ đây, ông đã có cuộc sống mới, ổn định hơn về kinh tế, vững vàng hơn về tư tưởng. Nhớ lại quá khứ, ông không ngần ngại nói rằng: Kêu gọi người dân tộc lập quốc gia riêng là sự mơ hồ, chờ đợi sự trợ giúp của Liên Hợp Quốc là sự giả dối; hứa hẹn cho chức tước, nhà cửa, ruộng vườn là sự lừa phỉnh. Không ai mang đến cho mình cuộc sống tốt hơn ngoài sự nỗ lực của chính mình với sự trợ giúp của cộng đồng gần gũi.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết thứ hai về những người dân tộc thiểu số bị lừa phỉnh, dụ dỗ trốn sang Campuchia để đi nước thứ ba. Và ngay cả khi đã đặt chân đến nước Mỹ, họ mới nhận ra rằng: Nước Mỹ không phải “thiên đường”, nhất là với những người dân tộc có trình độ văn hóa thấp, không có kỹ năng nghề, không sử dụng được tiếng Anh và rất khó hòa nhập với văn hóa phương Tây. Đó là trường hợp của ông RaLan Hir, 62 tuổi, dân tộc J’Rai ở làng Sao Đúp, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Hơn 6 năm lay lắt trên đất Mỹ, đau ốm, bệnh tật, cô đơn, cuối cùng, ông đã trở về quê hương trong nước mắt mừng tủi của người thân, họ hàng.
Năm 2002, RaLan Hir vượt rừng, trốn sang Campuchia với mong muốn tìm đường sang nước thứ ba. Bị phía Campuchia bắt giữ, rồi trả lại Việt Nam vào năm 2003, Ralan Hir bị đưa vào trại cải tạo 3 năm.
“Tôi muốn sang Mỹ bởi vợ và con tôi đã ở bên đó, tôi muốn đoàn tụ cùng gia đình nên tìm cách đi” - Hir nói về lý do vượt biên của mình.
Ra khỏi trại cải tạo năm 2005, nghe tin vợ ở Mỹ đã lấy chồng khác, Ralan Hir quyết định lấy vợ mới. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, đói khổ. Khi được con trai bên Mỹ bảo lãnh, năm 2006, Hir tiếp tục thực hiện “giấc mơ Mỹ” với hy vọng sẽ đưa vợ, con mới của mình sang đó.
“Tôi sang đó ở với thằng con đầu một tháng thì ra ở riêng, bắt đầu đi làm. Hồi đó, tôi tìm được việc dọn vệ sinh trong một bệnh viện, sau đó thì chuyển sang dọn dẹp cho một nhà thờ ở địa phương. Lương tháng được vài trăm đô nhưng quá nhiều thứ phải chi tiêu như: tiền thuê nhà, thuê xe, tiền điện, tiền nước. Vợ cũ của tôi cũng đã lấy chồng nhưng theo luật pháp ở đó, tôi vẫn phải hỗ trợ tiền hàng tháng 200 USD cho bà ấy. Thành ra, khó khăn lắm”.
Raland Hir kể về quãng thời gian tồn tại trên đất Mỹ, một mình lay lắt, không biết tiếng Anh, lao động cật lực nhưng có lẽ, khổ nhất là bệnh tật mà không có tiền mua thuốc.
Sang đất Mỹ, Ralan Hir sinh sống tại thành phố Greensboro, tiểu bang North Carolina (miền Nam nước Mỹ).
“Ông ấy nhiều bệnh lắm. Bệnh gan này, bệnh đại tràng này, dạ dày này. Lần nào gọi điện về cho tôi, cả hai vợ chồng đều khóc. Thương lắm, tôi chỉ bảo ông ấy, khổ quá thì về đi”, vợ của Ralan Hir cho biết.
7 anh chị em còn lại ở Việt Nam lúc đó, mỗi người một ít, góp tiền mua thuốc để gửi sang Mỹ cho Hir, hy vọng ông đỡ đau ốm phần nào.
Năm 2012, sau 6 năm chật vật trên đất Mỹ, Ralan Hir quyết định về nước.
Về nước, Ralan Hir mua máy móc để làm công việc chính là sửa chữa xe đạp cho bà con trong làng.
“Khi về nước, anh ấy còn một khoản nợ vì vay mượn để đi Mỹ, lãi mẹ đẻ lãi con. Anh ấy về ở nhà vợ, rồi dần dần cũng trả hết. Sau đó thì sửa lại căn nhà, mua xe công nông, mua xe máy. Nói chung, giờ cũng bớt khó khăn rồi” - ông Ralan Hit, em trai của ông Ralan Hir cho biết.
Theo lời kể của em trai Hir, trước khi đi vượt biên sang Campuchia, anh chị em trong gia đình cũng khuyên nhủ Hir rất nhiều, rằng, cứ ở lại nhà, no đói có nhau.
“Ai ngờ, khi ra khỏi trại cải tạo, anh ấy vẫn muốn đi Mỹ để đổi đời. Giờ thì anh ấy ân hận về chuyện đi Mỹ lắm” - ông Hit cho hay.
Về nước, sức khỏe cũng không cho phép Hir có thể chăm sóc vườn cà phê hay đàn heo rừng, tất cả phó thác cho vợ. Ralan Hir mua máy móc để làm công việc chính là sửa chữa xe đạp cho bà con trong làng. Mỗi năm, con cái bên Mỹ gửi về cho Hir 100 USD, tương đương với khoảng 2,5 triệu đồng.
“Con tôi ở bên đó cũng đâu sung sướng gì, nó cũng có đến 6 đứa con, chật vật lắm. Ở trong làng tôi bây giờ, khối người còn giàu hơn nó ý. Nói chung, tôi về quê là may lắm rồi. Đói khổ còn có bà con hàng xóm. Ở bên kia, đói thì biết xin ai. Với lại, về đây, mấy lần đi viện cũng có anh em, họ hàng”.
Thực tế, sau các cuộc biểu tình, gây rối ở Tây Nguyên thất bại, các thế lực thù địch phản động lại kích động người dân tộc thiểu số trốn sang Campuchia, tuyên bố cho định cư ở Mỹ nhằm tái lập “trại tị nạn” làm chỗ đứng chân, tập hợp lực lượng, gây mất ổn định lâu dài ở Tây Nguyên. Miếng “bánh vẽ” mà chúng tạo ra đã đẩy nhiều người dân tộc thiểu số như Ralan Hir vào con đường cùng cực, khốn khổ. Mục đích cuối cùng của chúng không phải mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ mà quan trọng là phá hoại sự ổn định của Tây Nguyên, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Ở một địa bàn khác của tỉnh Gia Lai, ông Rơmah Chying ở làng Breng2, xã Ia Der, huyện Ya Grai (51 tuổi) thì may mắn hơn nhiều. Sau 8 tháng chui lủi trong rừng để tìm cách vượt biên sang Campuchia không thành, Rơmah Chying nghe tin chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ông trở về và nhờ người thân dẫn ra trình diện chính quyền.
“Lúc đó, tôi cũng lo lắng lắm, chỉ sợ họ bắt mình đi cải tạo. Nhưng thực tế không phải vậy, tôi chỉ bị hỏi một số câu thôi và được cho về. Lúc tôi đi thì vợ đang mang thai. Lúc về thì vợ đã sinh con. Đúng là may mắn” - Rơmah Chying cho biết.
Trong làng Breng2 bây giờ, gia đình Rơmah Chying được coi là hộ khá giả. Không chỉ cất được ngôi nhà gần 100 m2 khang trang, mua xe ô tô, Rơmah Chying còn mua được 2 lô đất cho con cái. Vừa trồng cà phê, vừa làm chủ thầu xây dựng, rồi làm chậu hoa để bán cho người dân trong vùng, gia đình Rơmah Chying tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động. Chỉ tay lên tấm bằng khen trên tường, ông tự hào khoe “Đấy, tôi được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
“Hồi xưa, tôi nghe theo ông cậu để sang Campuchia rồi tìm cách đi Mỹ. Ông cậu tôi giờ đang ở bên Mỹ, ông làm thợ mộc. Năm vừa rồi Covid, công việc cũng rất khó khăn. Con ông thì một đứa sống ở Việt Nam, một đứa sống bên Mỹ. Nói chung, tôi chả bao giờ hối hận về việc không qua được Mỹ. Giờ, mình làm mình ăn, thoải mái, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ” - Rơmah Chying cười lớn.
Tây Nguyên tháng Tư, những cơn mưa đầu mùa xối xả, cây cà phê vừa đơm trái như “rạng rỡ, tươi tỉnh” hẳn lên sau nhiều ngày khô hạn. Những buôn làng Tây Nguyên chưa hẳn đã hết đói, hết nghèo nhưng những con đường không còn lầy lội đất đỏ như xưa. Phong trào “nông thôn mới” đã đưa đường nhựa về khắp các buôn làng. Nhà có xe công nông, nhà có xe máy, nhà có ô tô. Những ngôi nhà tạm bợ được thay thế bằng những ngôi nhà cấp 4 khang trang. Chiều chiều, người dân đi rẫy trở về, lũ trẻ tan học, cuộc sống như nhộn nhịp hẳn lên.
Những con người như Ralan Hir, như Rơmah Chying cũng giống như bao người trong làng khác. Chẳng ai còn muốn nhắc lại những câu chuyện xưa cũ. Người trong cuộc thì thấy may mắn khi chưa đặt chân đến “thiên đường”, còn người trở về từ “thiên đường” thì thấy may mắn vì đã có thể “nhắm mắt trên quê hương”.
Quay đầu là bờ. Hình ảnh đó thật đúng với những người như họ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét