Hơn 30 năm qua, Bệnh viện Quân y 175 đã đồng hành với y tế biển đảo đặc biệt là quần đảo Trường Sa, trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, trên quần đảo mà còn cho những bà con đang ngày đêm làm ăn, yên tâm bám biển lao động, sản xuất, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Dân trí giới thiệu tới độc giả bài viết về bệnh viện đặc biệt này.
Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện chiến lược tuyến cuối của quân đội ở khu vực phía Nam với quy mô 1.500 giường. Mỗi ngày tại đây tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú. Với 56 khoa và phòng ban đây là một bệnh viện đa khoa gồm 2 Viện và 3 Trung tâm có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của quân nhân từ quân khu 5 trở vào và đảm bảo y tế cho vùng biển đảo, Tây Nguyên, giúp nước bạn Campuchia đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế.
Hơn 30 năm qua, Bệnh viện 175 đã đồng hành với y tế biển đảo đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Từ tổ y tế chỉ có 3 người đã từng bước phát triển thành trạm xá, đến nay là Trung tâm Y tế của huyện đảo Trường Sa, giải quyết căn bản các cấp cứu nội khoa và ngoại khoa.
Bên cạnh đó, thông tin liên lạc đã đảm bảo tốt, hệ thống telemedicine (truyền hình trực tuyến) đã giúp thay đổi chất lượng chẩn đoán và điều trị người bệnh trên đảo. Hơn nữa, hệ thống vận chuyển bao gồm trực thăng với khả năng bay cả ngày lẫn đêm cùng với thủy phi cơ… đã tạo điều kiện tốt cho bệnh viện, cướp được thời gian vàng, cứu sống rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý, biến chứng nặng nề.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc bệnh viện khẳng định: “Trường Sa hiện nay đã là một địa chỉ tin cậy không chỉ cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, trên quần đảo mà còn cho những bà con đang ngày đêm làm ăn, yên tâm bám biển lao động, sản xuất, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Đó là những cột mốc bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng xương bằng thịt. Đây là vinh dự, tự hào của chúng tôi khi được phân công nhiệm vụ, đảm đương công tác y tế tại đảo Trường Sa lớn”.
Sau 45 năm xây dựng, trưởng thành bệnh viện đã đạt rất nhiều thành tích trong Chiến dịch Biên giới Tây Nam cũng như trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những nhiệm vụ chính trị trung tâm, thời gian qua bệnh viện đã đạt được những nhiệm vụ quan trọng về y tế biển đảo và đưa Bệnh viện Dã chiến Cấp 2, số 1 của Việt Nam lần đầu tiên tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Bệnh viện Dã chiến đã tạo được hình ảnh tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ quân y và đặc biệt là hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ghi nhận những thành tích trên, Bệnh viện Quân y 175 đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang lần thứ 2.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: “Mỗi nhiệm vụ đều có những khó khăn riêng, trong suốt thời gian xây dựng, phát triển, truyền thống tự hào, khát vọng vươn cao của tất cả các thế hệ của Bệnh viện Quân Y 175 đã tạo thành sức mạnh giúp tập thể vượt qua mọi gian khó. Với tinh thần trách nhiệm của người lính, người thầy thuốc tập thể bệnh viện đã tạo nên sự đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt để giải quyết tất cả những khó khăn vướng mắc trên cơ sở ủng hộ của Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc Phòng để đạt được những kết quả như ngày hôm nay”.
Bệnh viện Quân Y 175 được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị đầu tiên xây dựng Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 1 của Việt Nam tham dự lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan. Bệnh viện được chọn thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện Việt Nam chưa có tiền lệ cử lực lượng quân y tham gia gìn giữ hòa bình. Công tác tổ chức biên chế, huấn luyện đào tạo, chính sách, chế độ, nguyên tắc kỷ cương làm việc của Liên Hiệp Quốc và quy tắc ứng xử, giao tiếp cả về tôn giáo lẫn sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt như Nam Sudan là thách thức lớn đối với lực lượng tham gia Bệnh viện Dã chiến.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước cùng sự quyết tâm của các cán bộ y bác sĩ, lực lượng của Việt Nam đã hành quân đến Nam Sudan năm 2018. Chỉ sau 1 năm lực lượng quân y Việt Nam đã tạo ra hình ảnh đẹp bởi khối lượng rất lớn công việc khó khăn được giải quyết. Bên cạnh đó là tình cảm của người dân bản địa và các lực lượng khắp nơi trên thế giới làm việc cho phái bộ Liên Hiệp Quốc đã xem bệnh viện dã chiến của Việt Nam như một gia đình thân thuộc. Các bên liên quan thường đến chia sẻ công việc hay niềm vui bên vườn rau xanh và các món ăn của dân tộc Việt Nam hoặc điệu múa, bài hát, trang phục của người Việt Nam.
Theo PGS – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: “Có thể nói, thông qua Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 1, hình ảnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh của người chiến sĩ quân y các mạng và văn hóa, con người Việt Nam đã được thể hiện rất rõ. Liên Hiệp Quốc đã trao tặng Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam Huân chương “Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình”. Đây là điều hết sức tốt đẹp và hạnh phúc ngay trong lần đầu tiên xuất quân, tạo ảnh hưởng lớn trên trường thế giới, nâng cao uy tín của Việt Nam khi đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch ASEAN, tham gia vào Hội đồng Ủy viên Không thường trực Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang có bệnh viện số 2 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Phía bệnh viện đang chuẩn bị tích cực cho bệnh viện Dã chiến số 3 lên đường vào cuối tháng 2/2021″.
Trong thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Trong đó, bệnh viện đã tập trung đào tạo con người, nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật với các hướng đào tạo hàn lâm, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cả bác sĩ, điều dưỡng giúp họ không chỉ có khả năng làm việc độc lập mà còn làm việc tổ nhóm, có trình độ ngoại ngữ, làm chủ phương tiện khoa học kỹ thuật. Bên cạnh việc chủ động mời chuyên gia nước ngoài đến đào tạo, mỗi năm bệnh viện đưa từ 30 đến 40 y bác sĩ sang các nước đối tác chiến lược của bệnh viện như: Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore học tập theo các chương trình đào tạo.
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển như hiện nay, bệnh viện đã xây dựng hệ thống trang thiết bị tốt nhất khu vực. Trang thiết bị được đầu tư có sự đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế đi theo định hướng phát triển thành bệnh viện thông minh có khả năng phối hợp với các ngành y tế trên thế giới, thực hiện hội chẩn trực tuyến.
PGS – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng của bệnh viện sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, trở thành quần thể y tế bệnh viện khách sạn, hướng tới môi trường trong lành cho người bệnh. Kiến trúc của bệnh viện sẽ trở thành liều thuốc quý cho người bệnh với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, giúp họ hưởng thụ các giá trị của cuộc sống ở mỗi công trình kiến trúc kỹ thuật. Người bệnh bước vào khuôn viên bệnh viện trong thời gian tới sẽ có cảm giác được điều trị thay thế hoàn toàn cảm giác bị điều trị trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của chúng ta trước đây”.
Trong tiện ích hiện hữu của bệnh viện sân bay trực thăng đã được đưa vào sử dụng với khả năng tác chiến ở mọi tình huống, cướp được giờ vàng để cứu người bệnh. Một trung tâm cấp cứu đường thủy, đường không và đường bộ sẽ được xây dựng trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa khả năng cấp cứu cho người dân ở vùng sâu vùng xa, xây dựng thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình…
Nhận xét
Đăng nhận xét