Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương của ngành Tuyên giáo trong năm 2021 được ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 (ngày 30/12/2020 tại Quảng Ninh).
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành Tuyên giáo cần khẩn trương, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên về kết quả chủ yếu của Đại hội, gắn với tuyên truyền kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng và vui Xuân, đón Tết; đồng thời tuyên truyền động viên thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách khác; tạo bầu không khí xã hội phấn khởi bước vào một năm mới, một giai đoạn mới với niềm tin và quyết tâm mới, vượt qua thách thức, tạo dấu ấn nhiệm kỳ mới trong giai đoạn mới, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tổng kết công tác tuyên giáo năm 2020 cũng chính là dịp để nhìn lại công tác tuyên giáo trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII, một nhiệm kỳ đầy ắp các sự kiện quan trọng, nhiều biến động, xuất hiện những vấn đề mới nảy sinh chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm xử lý, giải quyết, đặt ra nhiều thách thức cho ngành Tuyên giáo. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, ngành Tuyên giáo đã tiếp tục phát huy vai trò vai trò đi trước – mở đường, đi cùng – phát triển, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực, chủ động hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, góp phần tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân triển khai thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Toàn ngành đã đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, lý luận, tham mưu có hiệu quả nhiều vấn đề mới, then chốt cả về lý luận và thực tiễn trên lĩnh vực tuyên giáo; tập trung chỉ đạo, định hướng kịp thời tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; tổ chức khoa học, đồng bộ và hiệu quả hơn công tác giáo dục lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn; tăng cường chỉ đạo, định hướng báo chí – xuất bản, hoạt động văn hóa – văn nghệ và các lĩnh vực khoa giáo. Đồng thời, cũng chú trọng công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp ngang tầm nhiệm vụ…
Trong 5 năm qua, mỗi năm, công tác tuyên giáo đều có những nét mới, ngày càng vững vàng, chắc tay hơn. Vai trò, dấu ấn của ngành Tuyên giáo ngày càng rõ nét hơn. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bước trưởng thành vượt bậc. Trong dịp Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, đã có nhiều đồng chí được tín nhiệm bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn. Đó chính là sự đánh giá, ghi nhận của các cấp ủy đối với những đóng góp quan trọng của ngành và đội ngũ cán bộ Tuyên giáo.
Với nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tuyên giáo các cấp và sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cấp ngành, địa phương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, ngành tuyên giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phân tích bối cảnh năm 2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ngành Tuyên giáo phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ đó, đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ đạo, đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nội dung chủ yếu như sau:
Một là, khẩn trương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành Tuyên giáo cần khẩn trương, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên về kết quả chủ yếu của Đại hội, gắn với tuyên truyền kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng và vui Xuân, đón Tết, tạo bầu không khí xã hội phấn khởi bước vào một năm mới, một giai đoạn mới với niềm tin và quyết tâm mới xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.
Ngay từ bây giờ cần chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những đổi mới sáng tạo trong tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của nhiệm kỳ Đại hội XII để đổi mới theo hướng nhanh hơn, rộng hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, theo hướng phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Cùng với tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến trên diện rộng, cần phải tổ chức học tập, quán triệt sâu, kỹ những vấn đề, nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác của một số đối tượng chuyên ngành. Trên cơ sở đó, từng tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết gắn với những nhiệm vụ cụ thể của tổ chức và cá nhân mình một cách thiết thực, khả thi, có lộ trình, thời gian thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng. Chỉ có như vậy, việc triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống mới có hiệu quả thực chất.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Trên cơ sở học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn Ngành Tuyên giáo cần nghiên cứu sâu các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII để đổi mới công tác tư tưởng, lý luận theo hướng gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, đi sâu vào từng đối tượng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội. Nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đổi mới chương trình, nội dung, phương thức giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị trong toàn hệ thống chính trị theo tinh thần khoa học, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức lý luận chính trị mới cho cán bộ, đảng viên đi vào nền nếp, thường xuyên và nhất quán từ Trung ương đến cơ sở.
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin, sai trái, thù địch; ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành tình cảm, ý thức tự giác, trách nhiệm tự thân, việc làm hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu và làm sâu sắc thêm những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, làm rõ hệ giá trị Hồ Chí Minh, để từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ, dư luận xã hội, thông tin đối ngoại
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội XIII của Đảng; về những thành tựu nổi bật của đất nước qua 35 năm đổi mới, của nhiệm kỳ Đại hội XII và thành công của đại hội đảng bộ các cấp. Tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương diễn ra trong năm 2021, nhất là tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội đảng bộ các cấp; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Làm tốt công tác thông tin đối ngoại; quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn về hình ảnh, thành tựu đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; thực hiện hiệu quả Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí, truyền thông, Internet và mạng xã hội
Tăng cường định hướng chính trị trong các hoạt động văn hóa – văn nghệ; nắm chắc tình hình hoạt động các hội văn học – nghệ thuật chuyên ngành. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Chú trọng tham mưu giải pháp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam với những chuẩn mực, giá trị đạo đức phù hợp.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, y tế, dân số, thể thao và các vấn đề xã hội.
Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, để lại những hệ lụy và thách thức to lớn, vì thế không thể lơ là, chủ quan. Cần tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; thực hiện thành công “mục tiêu kép”vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân. Tiếp tục gắn công tác khoa giáo với việc giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống hàng ngày, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trên cơ sở nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và từ thực tiễn, chủ động tham mưu đúng, trúng những vấn đề khoa giáo đang đặt ra trên từng địa bàn; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể trong nhiệm kỳ đại hội đảng bộ 2020 – 2025, Đại hội XIII của Đảng.
Năm là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tuyên giáo, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dịp Đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo có thay đổi khá nhiều, vì vậy, ngay từ đầu năm 2021 cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức, cán bộ tuyên giáo các cấp; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực tham mưu cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo phải ý thức rõ rằng, đối tượng của công tác tuyên giáo là con người; nội dung, phạm vi của công tác tuyên giáo trải rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội. Do vậy đòi hỏi mỗi cán bộ của ngành Tuyên giáo phải thực sự sáng tạo, lao động cá nhân thật sự nghiêm túc, khoa học, vừa phải có năng lực tập hợp, kết nối các lực lượng, vừa phải biết sử dụng công nghệ và am hiểu các cung bậc cảm xúc của con người, luôn thấm nhuần sâu sắc về truyền thống vẻ vang của ngành, về sứ mệnh cao cả là “đi trước, mở đường”…
Năm 2021, ngành Tuyên giáo sẽ phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng; sự phối hợp của các cấp, ngành; sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, toàn ngành Tuyên giáo sẽ nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nhận xét
Đăng nhận xét