Một tầm nhìn chiến lược, dựa trên các dự báo dài hạn và xác định các mục tiêu phát triển dài hạn chính là điểm đặc biệt, đặc trưng và là quyết sách quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ XIII (Đại hội XIII). Trong lịch sử Đảng ta, trừ các cương lĩnh của Đảng, ít có đại hội nào có tầm nhìn dài hạn như thế.
Lấy phát triển kinh tế làm cốt lõi
Đại hội XIII có ý nghĩa càng đặc biệt quan trọng bởi vì Đại hội không chỉ xem lại việc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 5 năm (2016 – 2020) mà còn đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2010 – 2020), xây dựng chiến lược phát triển đất nước không chỉ cho 10 năm tới 2021 – 2030 và xác định tầm nhìn dài hơn đến năm 2045, tận giữa thế kỷ này.
Những đánh giá, nhận định về nhiệm kỳ vừa qua và các quyết sách cho giai đoạn mới của Đại hội XIII là cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Nhà nước cụ thể hóa bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án cho từng giai đoạn, trước mắt là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 tầm nhìn 2045, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025, công trình, dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội khóa XV tới đây sẽ xem xét, quyết định. Rồi tiếp đó là chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng giai đoạn cho mọi địa phương, mọi ngành, lĩnh vực.
Với tầm chiến lược như vậy, nhân dân kỳ vọng những quyết sách của Đại hội sẽ mở toang cánh cửa phát triển, xây dựng nền tảng lý luận, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước cho một thời kỳ mới, trong đó phát triển kinh tế là cốt lõi, vì chỉ trên nền tảng kinh tế phát triển chúng ta mới có thể giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cương lĩnh của Đảng đã xác định và Đại hội XIII tiếp tục khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) vẫn là vấn đề cốt tử trong phát triển. Chúng ta vừa thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ nhưng định hướng XHCN chính là để xây dựng một xã hội Việt Nam hạnh phúc như ham muốn tột bậc của Bác Hồ kính yêu ngày đầu lập nước: “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Do đó, chúng ta coi kinh tế thị trường là động lực nhưng mục tiêu chính là vì chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Vì thế, kinh tế chính là lực lượng vật chất để Nhà nước tổ chức tốt các dịch vụ công phục vụ cộng đồng, xã hội.
Để thực hiện được các mục tiêu kinh tế đó, Đại hội XIII đã xác định vai trò đột phá đặc biệt quan trọng của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới, tiếp tục coi khoa học – công nghệ là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực quan trọng nhất” để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đồng thời gắn chặt với “đổi mới sáng tạo” như một định hướng trung tâm của phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ đáp ứng với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để đạt được mục tiêu này, văn kiện Đại hội cũng đã xác định nguồn lực con người là lực lượng lao động chất lượng cao, tay nghề cao, có trình độ quản lý tiên tiến là nguồn tài nguyên tri thức, động lực quan trọng, một yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong thời kỳ tới.
Khắc phục điểm yếu “tổ chức thực hiện”
Nghị quyết của Đảng luôn là ngọn đèn pha soi sáng con đường phía trước. Nhưng đi như thế nào, tốc độ ra sao là việc làm cụ thể đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hết mình của từng tế bào kinh tế, xã hội là con người, cơ quan, tổ chức cụ thể trong xã hội Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến không ít những việc lẽ ra đã phải và có thể làm tốt ngay nhưng vẫn lại phải chuyển từ khóa này sang khóa khác. Lý do của sự chậm trễ, yếu kém, khiếm khuyết bao giờ cũng dễ tìm ra hơn là giải pháp xử lý, khắc phục. Và chưa thực hiện được việc “hãy làm tốt việc cũ trước khi làm việc mới”.
Đại hội XIII tiếp tục xác định ba đột phá chiến lược sau nhiều năm thực hiện là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Hiện vẫn còn một số vấn đề tồn tại là đường sắt Việt Nam rất lạc hậu hoàn toàn không tương xứng với địa hình trải dài như cái đòn gánh của đất nước, hệ thống đường bộ cao tốc quá chậm tiến độ xây dựng, giao thông nội thị của những siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội ngày càng tắc nghẽn nghiêm trọng, ô nhiễm không khí đô thị nặng nề… Tất cả dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế kém đi, chi phí xã hội tăng cao, tổn thất về sinh mạng và vật chất không giảm, chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu sớm chuyển mình từ giai đoạn phát triển về chiều rộng sang phát triển về chiều sâu với hàm lượng chất xám và công nghệ đậm đặc hơn, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, vươn dần từ gia công, lắp ráp sang chuỗi giá trị cao hơn là chế tạo, sáng tạo, thiết kế, phát minh, sáng chế công nghệ. Câu chuyện của anh Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kể về những bước đi của một trong những liên doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên của Việt Nam vào năm 1989, Công ty Coats Phong Phú, nay đã trở thành một trong những công ty dệt may thành công nhất ở Việt Nam là một thí dụ cụ thể. Tuy chỉ chuyên về sản xuất chỉ may, phụ liệu chiếm tỷ trọng chưa đến 3% giá trị của sản phẩm dệt may, với số vốn đầu tư ban đầu chỉ là 1 triệu USD, nhưng nhờ có hệ thống máy móc, thiết bị, bí quyết công nghệ, giải pháp quản lý hiện đại, tiên tiến mà công ty nói trên đã đạt doanh thu hằng năm 250 triệu USD. Hơn thế, Tập đoàn còn đầu tư cho Trường đại học Công nghiệp dệt may, theo xu thế học gắn với thực hành. Tôi được biết, Trường đang có kế hoạch đầu tư một phòng thí nghiệm chuyển đổi số cho công nghiệp sợi nhuộm, dệt may,… Nếu muốn hóa rồng, chúng ta cần rất nhiều những câu chuyện thành công như vậy trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách, tôi nhận thức được tầm quan trọng của từng câu, từng chữ trong các văn kiện của Đảng. Đó thật sự là kim chỉ nam cho mọi hành động thực tế. Các nghị quyết của Đảng luôn được xây dựng trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn nên mang tính khái quát, thực thi cao. Khâu yếu nhất của chúng ta vẫn luôn là khâu tổ chức thực hiện. Nhiều quyết sách đúng đắn ở cấp vĩ mô khi triển khai xuống tới cơ sở đã rơi rụng nhiều nội dung, thậm chí có khi trở thành xa rời với thực tế trong thực hiện, thực thi. Tôi tin tưởng là chúng ta có thể khắc phục được điểm yếu này. Tất cả tư tưởng chỉ đạo chiến lược trong văn kiện của Đảng rồi sẽ phải được thể chế hóa, pháp điển hóa trong quá trình lập pháp, trở thành các tập hợp quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực một cách thống nhất, đồng bộ, minh bạch, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chỉ có như vậy, nghị quyết của Đảng mới thật sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, động viên mọi nguồn lực xã hội cho đời sống kinh tế của đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét