Bố tôi là một người nông dân "chính hiệu". Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hưng Yên với "sở trường" trồng và bán cây cảnh. Ròng rã suốt một năm, nguồn thu duy nhất của cả gia đình đó là những luống cam, luống quất chín rực trên cánh đồng.
Tôi vẫn nhớ như in câu nói của bố: "Tết này mà không bán được cây thì nhà mình lấy tiền đâu trả nợ phân, nợ thuốc cả năm trời?". Đó là câu nói bố lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi nghe tin dịch Covid có dấu hiệu bùng phát và có xu hướng khó kiểm soát.
Giai đoạn tháng 7, sau nhiều ngày dịch lắng xuống, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của cả nước khi phát hiện 01 ca nhiễm Covid, đồng thời mất dấu F0. Nhìn những luống cây đang lớn, bố tôi lại trăn trở về những tháng ngày sắp tới.
Rồi dịch cũng được khống chế. Những luống cây Tết của gia đình vẫn lớn lên từng ngày qua bàn tay chăm sóc cần mẫn của bố.
Ngày 30/11 (16/10 Âm lịch), Tết cũng đã gần kề. Nhưng sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc Covid nào, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 04 ca mắc mới. Bố đã rất lo lắng. Một số thương lái về thăm vườn nhưng còn băn khoăn, nghe ngóng và bố chưa bán được cây nào.
Cuối tuần vừa rồi, về thăm vườn cây của bố, bố rất vui vì đã bán được gần hết, giá không quá cao nhưng cũng tạm ổn. Xem bản tin trên tivi nói về tình hình dịch Covid tại các nước Châu Âu, đặc biệt là khi virus đã biến tướng và phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của một số nước, trong đó có những nước rất phát triển như Anh. Bố chia sẻ với tôi về sự lo lắng, nhưng ở góc độ cá nhân, ông cũng cảm thấy may mắn và biết ơn. May mắn vì chúng ta kiểm soát được dịch; biết ơn vì những cố gắng, nổ lực của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Vừa đọc được dòng tin nói về thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng giá trị nhanh nhất thế giới nhờ những nỗ lực phòng, chống Covid, được cộng cồng quốc tế ghi nhận, tôi hiểu rằng trước những khó khăn của cuộc sống, cả đất nước lại chung tay đoàn kết cùng nhau vượt qua. Thấy những chia sẻ chân chất của bố, tôi biết rằng lòng tin của người dân vào chính quyền đang ngày càng lớn hơn. Thật vui vì điều đó.
Bỗng nhớ lại câu thơ của Nguyễn Trãi: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Chỉ cần lòng dân "yên" thì đất nước sẽ thịnh vượng, phát triển
Nhận xét
Đăng nhận xét