Chiến trường K: Quân Việt Nam giải phóng Tà Sanh, suýt bắt sống trùm diệt chủng Iêng Sary
Bốn chiếc xe tăng Polpot bị bắt sống, máy vẫn nổ nhưng lính ta không anh nào biết lái, đành để thế cho nổ suốt đêm hết dầu mới tắt. Báo hại lính thức canh xe không ngủ được.
♦️ Bắt sống 4 xe tăng Polpot
Trong khi tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3, E866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 của chúng tôi trên chiến trường K mở rộng tảo thanh căn cứ Tà Sanh vừa giải phóng, tiểu đoàn 1 đang hành quân vu hồi từ hướng Đông Bắc xuống.
Xe tăng địch bỏ căn cứ chạy, mới được chừng hơn 1 km, lao cả vào đội hình của đại đội 2. Xạ thủ B41 bắn vội nên không trúng. Trọng là tiểu đội trưởng cối 60mm nhanh chóng giành súng, bắn trúng tháp pháo chiếc xe tăng đi đầu.
Lính địch trên bốn chiếc xe tăng hoảng hốt bỏ xe chạy tháo thân, bị tiêu diệt một số. Tiểu đoàn 1 để lại đại đội 2 bảo vệ xe tăng mới thu được, còn lại tiếp tục truy kích, đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Bốn chiếc xe tăng máy vẫn nổ nhưng lính ta không anh nào biết lái, đành để thế cho nổ suốt đêm hết dầu mới tắt. Báo hại lính thức canh xe không ngủ được.
Đơn vị thiết giáp đi phố thuộc vì lo giải quyết hậu quả trận đánh, sáng hôm sau mới mang dầu vào đổ và lái xe tăng địch về.
Quãng gần 15 giờ, trận đánh mới kết thúc. Quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ địa Tà Sanh, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn Cận vệ Phnom Penh của chính phủ Khmer Đỏ.
Các trùm sò Polpot, Iêng Sary cùng bộ sậu chính phủ với đám tàn quân phải chạy vào rừng, bỏ lại rất nhiều kho tàng vũ khí, phương tiện chiến tranh.
Ngày 28/3/1979, Trung đoàn tôi để lại tiểu đoàn 3 thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả. Một đoàn làm phim chiến trường của mặt trận vào khu chiến. Đại đội 9 đã diễn lại trận đánh để họ quay bộ phim "Chiến thắng Tà sanh" làm tư liệu. Hai tiểu đoàn còn lại tiếp tục được lệnh đánh phát triển tiến công tiếp.
Đại đội 7 được lệnh phát triển về hướng Tây Nam. Chúng tôi nhanh chóng vượt qua con suối Tà Sanh, đánh chiếm khu lán trại rất khang trang của địch. Cạnh mỗi chiếc lán địch đều có hầm trú ẩn vững chắc, có hệ thống giao thông hào nối liên hoàn.
Trừ con đường độc đạo đi vào trung tâm căn cứ Tà Sanh, còn xung quanh, địch đều bố trí bãi chông mìn dày đặc.
Ở đây, chúng bỏ lại mấy chiếc xe Hon đa 67, xe hơi du lịch màu trắng đã bị chọc thủng lốp. Chúng tôi thu được gần chục chiếc xe tải Hoàng Hà của Trung Quốc mới tinh, đồng hồ công tơ mét chỉ mới chạy chưa đầy 300 km. Có lẽ chúng mới được nhận ở cảng rồi chạy luôn lên đây.
Trong một lán khác có mấy thùng đạn pháo to, trong thùng chứa đầy tài liệu chữ Campuchia. Một số giấy tờ tài liệu địch thu của ta trong mấy năm 1977, 1978, 1979 ở khắp nơi đưa về. Đồ hộp, rượu Mao Đài chất đầy ở trong kho được lính ta thưởng thức.
♦️ Suýt tóm được trùm diệt chủng Iêng Sary
Cùng ngày, Tiểu đoàn 1 phát triển về hướng Tuol Tak phát hiện một đường dây điện thoại. Lính ta lần theo dấu đường dây, thấy một đoàn xe con của địch. Đơn vị lập tức tổ chức bao vây tấn công. Sau ít phút nổ súng, địch tan rã tháo chạy.
Chiến sỹ Vũ Thanh Hà, quê xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là tiểu đội trưởng của Đại đội 3. Hà chỉ huy một tổ ba người đuổi gắt theo tốp địch, thu được một chiếc cặp da màu đen. Sau khi nộp lên trên chiếc cặp da được xác định là của Iêng Sari, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Khmer Đỏ.
Trong cặp có hộ chiếu của Iêng Sari, mang tên Xieng Hao cùng con dấu của Bộ ngoại giao, con dấu vùng 4 và nhiều tài liệu quan trọng khác. Tên đầu sỏ thứ hai của chính phủ Khmer Đỏ khi bị Trung đoàn 866 đuổi đánh, đã hoảng loạn vứt bỏ tất cả để chạy tháo thân.
Thu được hộ chiếu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Việt Nam nắm trong tay tài liệu tố cáo trên chính trường quốc tế việc có nước lớn đã và đang nuôi dưỡng chế độ Khmer Đỏ.
Vì thành tích này, Vũ Thanh Hà được thưởng Huân chương Chiến công và một chiếc đồng hồ Orient 21 chân kính. Sau chiến tranh trở về quê, vì quá nghèo khó, Hà đã bán mất.
Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 1 lùng sục mở rộng, phát hiện và thu một số lượng rất nhiều kim loại quý. Quân đoàn nhanh chóng cho xe tải vào, chở ra bàn giao cho Hội đồng Nhân dân Cách mạng chính phủ Campuchia.
Chiến thắng Tà Sanh ở chiến trường K đã đã đi vào lịch sử của cách mạng Campuchia và lịch sử đơn vị. Từ đây, Sư đoàn 31 chúng tôi, vốn có tên là đoàn Lam Hồng, được đổi là đoàn Tà Sanh.
Nhận xét
Đăng nhận xét