Chưa bao giờ miền Trung phải gánh chịu những mất mát, đớn đau như lúc này, khi chỉ trong vòng 2 tuần, liên tiếp phải hứng chịu mấy cơn bão, lũ khủng khiếp. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mưa giăng trắng trời, nước dâng tận mái. Hơn 130 người chết và mất tích, thiệt hại về tính mạng, tài sản của dân là không thể đo đếm hết. Miền Trung bây giờ không còn mùa mưa, không còn nước lụt mà là bão lũ, là núi lở sông trôi. Liệu những thứ đã mất, có bao giờ lấy lại được?
Tôi sinh ra ở miền Trung- vùng đất khi xưa chỉ có lụt nhưng bây giờ không còn tâm trạng mỗi lần lụt về lại vầy bên bếp lửa mà thay vào đó là tâm trạng thấp thỏm, lo âu…Không khuất phục, không quỵ ngã, người dân miền Trung quê tôi rồi sẽ đứng lên trong sự chung tay chia sẻ của cộng đồng. Những cơn bão rồi cũng sẽ đi qua, những trận lũ rồi sẽ rút cạn, cho dù có hung bạo đến dường nào. Chỉ nỗi đau mất mát là ở lại cùng câu hỏi day dứt lòng người: “Vì sao?”. Đành rằng, thiên tai thì thời nào cũng có, nhưng có ai thử đặt câu hỏi: “Vì sao” vài chục năm trở lại đây, bão lũ năm sau luôn dữ dội hơn năm trước. Người ta thường biện minh rằng, do "biến đổi khí hậu”. Nhưng biến đổi khí hậu là do đâu? Chả phải chính con người chúng ta gây ra đó hay sao!
Hãy giật mình dừng lại, bắt đầu lại.
Dẫu biết rằng, trên đường phát triển, hầu như quốc gia nào cũng đều đi qua “con đường đau khổ” này. Nhưng sao cứ phải vội vã, tham lam, để rồi bị cái lợi ngắn hạn che mắt mình.
Hãy nhìn lên mái nhà chung trên cao xa kia mà bao nhiêu thế hệ đã trao truyền cho chúng ta đã mất dần màu xanh của sự sống, để biết giật mình không để những cái lợi cỏn con che mắt chúng ta nữa.
Những cái đã mất, liệu có lấy lại được không? Câu trả lời là được, khi mỗi người chúng ta hôm nay biết “giật mình”. Giật mình để dừng lại và bắt đầu lại. Xin hãy giữ chặt những mảnh rừng còn sót lại. Đừng dùng gỗ thiêng của rừng. Đừng phá rừng làm kinh tế bằng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mà không tính đến hậu quả lâu dài về môi trường.
Không thể cứ để cho rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, lòng sông bị đào bới không thương tiếc, rồi năm nào cũng phải lo cứu trợ cho dân.
Tiền thì có thể làm ra, nhưng sinh mạng con người thì không thể!
Hãy suy nghĩ và thử quan tâm vấn đề này một lần xem sao?
Nhận xét
Đăng nhận xét