Không phải tự nhiên, không phải đơn giản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta chọn chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Bởi chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như dân tộc Việt Nam thấy được trong nó những giá trị lý luận to lớn để có thể áp dụng nó vào thực tiễn phát triển mọi mặt của đời sống xã hội nước ta.
Gần 2 thế kỷ đã qua, kể từ khi phép biện chứng duy vật ra đời cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến những biến đổi lớn lao trong khoa học cũng như trong đời sống xã hội. Những thành tựu của khoa học và công nghệ (thuyết tương đối của Anhxtanh, thuyết vụ nổ lớn, di truyền học, cơ học lượng tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ Nano,…) không chỉ đóng vai trò trọng yếu trong nền sản xuất xã hội, mà còn tác động trực tiếp đến con người, làm biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, trong thời đại ngày nay, khoa học, về thực chất, đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như dự báo của C.Mác cách đây một thế kỷ rưỡi.
Theo dự báo của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong những thập niên tới, khoa học tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ có những phát minh kỳ diệu, những ứng dụng rộng rãi nhờ những biến đổi mang tính cách mạng trong 5 lĩnh vực lớn: thế giới ảo (Cyber), công nghệ gen (Genomique), công nghệ phỏng sinh học (Bionique), công nghệ Nano (Nanotechnologie) và thế giới lượng tử (Quantique). Điều đó sẽ thúc đẩy năng suất lao động tăng lên vượt bậc. Như vậy, có thể nói, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ càng chứng minh tính đúng đắn của phép biện chứng duy vật, càng làm sâu sắc hơn và thể hiện một cách sinh động hơn tính vật chất và tính biện chứng của thế giới.
Từ nửa sau thế kỷ XX mặc dù có bước phát triển mới và đạt được những thành tựu to lớn, song bản chất bóc lột và bất công của chủ nghĩa tư bản không những không thay đổi, mà còn ngày càng thể hiện một cách tinh vi và sâu sắc hơn. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu càng phát triển thì tính phân cực các mặt đối lập, mâu thuẫn và những khuyết tật vốn có của nó càng thêm trầm trọng (giàu và nghèo, thất học, thất nghiệp, khủng hoảng môi trường, chiến tranh…).
Như vậy, có thể nói, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại với những thành tựu to lớn và những mâu thuẫn, những khuyết tật không tránh khỏi của nó đã không những không thể làm lu mờ mà trái lại, còn làm phong phú hơn, sâu sắc hơn những nguyên lý và quy luật của phép biện chứng duy vật. Đồng thời, nó còn cung cấp những tư liệu quý báu, đòi hỏi phải được thẩm định và khái quát về mặt triết học. Và triết học sẽ sống mãi theo dòng lịch sử nhân loại nhưng cách thức thể hiện có thể sẽ khác nhau. Những ai nghĩ rằng triết học đã chết sẽ giống với người mà không công nhận sự tồn tại của bố mẹ mình vậy, nghĩ rằng mình từ trên trời rơi xuống trái đất này và không phải do bố mẹ mình sinh ra./
Nhận xét
Đăng nhận xét