Thời quan qua, Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động ngang ngược nhằm thực hiện chiến lược bành trướng, độc chiếm Biển Đông, gây căng thẳng tình hình khu vực. Tình hình đó được dư luận trong nước hết sức quan tâm. Là công dân của đất nước, ít ai có thể bàng quan trước vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người còn mơ hồ rằng vì sao Việt Nam không liên minh với quốc gia khác để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc?
Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra. Nhiều lần trước đó, khi Trung Quốc có những hành động ngang ngược, gây hấn trên Biển Đông, có nhiều người đã thắc mắc vì sao nước ta không tìm kiếm đồng minh để đối phó với Trung Quốc.
Không tham gia liên minh quân sự vốn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách đối ngoại của nước ta là “thêm bạn, bớt thù”. Vì thế, liên minh quân sự nghĩa là đứng hẳn về một bên nào đó, dễ dẫn đến đối đầu và chuốc thêm kẻ thù. Khi đó, vấn đề của quốc gia không những khó được giải quyết mà dễ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, lãnh thổ quốc gia có thể bị biến thành nơi tranh giành, xâu xé lẫn nhau giữa các nước lớn.
Thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh chỉ có độc lập, tự chủ mới có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia. Vốn dĩ, các quốc gia đều đề cao lợi ích quốc gia và không nước nào chịu hy sinh, tổn hại chính mình vì quốc gia khác. Và trên thực tế, khi lợi ích quốc gia là cốt lõi, các nước lớn sẵn sàng bắt tay, “đi đêm” với nhau gây phương hại lợi ích của các nước nhỏ.
Phải nhấn mạnh rằng, không tham gia liên minh không đồng nghĩa với việc tự cô lập, tự hạn chế hay không cần tranh thủ cộng đồng quốc tế. Mà ngược lại, Việt Nam luôn tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, không để bị bao vây, cô lập. Với chính sách đối ngoại nhất quán, Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trên trường quốc tế, có quan hệ đối tác với nhiều cường quốc trên thế giới. Việt Nam cũng luôn thể hiện lập trường ủng hộ việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp đối thoại hòa bình, hợp tác tôn trọng luật pháp quốc tế, lên án việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Quan điểm của Việt Nam đã nhận được sử ủng hộ của cộng đồng quốc tế và thực tế đã nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, lên án hành động ngang ngược, gây căng thẳng tình hình khu vực.
Tâm Ngôn./.
Nhận xét
Đăng nhận xét