Giữa lúc cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp thì Trung Quốc lại có những hành động ngang ngược về Biển Đông. Đây là bước đi mới của Trung Quốc trong việc thực hiện yêu sách về chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Vậy, Trung Quốc đang toan tính điều gì với những động thái lần này.
Ngày 19/4/2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập “quận đảo Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam. Một ngày sau đó, Trung Quốc công bố “danh xưng tiêu chuẩn” 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý chìm ở Biển Đông, trong đó những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông lần này tiếp tục thực hiện tham vọng bành trướng trên Biển Đông với nhiều toan tính.
Có thể nhận thấy rõ hành động này không thay đổi hiện trạng của Biển Đông nhưng là một phần trong bước đi nhằm “hợp pháp hóa” những đảo, thực thể Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép ở Biển Đông. Những tên gọi mới có thể xuất hiện trên bản đồ hoặc ấn phẩm, tài liệu mà Trung Quốc sẽ xuất bản, phát hành. Cách làm này giống như việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò mà gần như độc chiếm cả Biển Đông. Dễ dàng nhận ra thực chất đây là “hành vi pháp lý” để củng cố cho yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Với hành động lần này của Trung Quốc cũng được cho là để “giữ xung đột ở cường độ thấp”. Qua đó Trung Quốc coi đây là “phép thử” đối với phản ứng của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế để tính toán những bước đi tiếp theo. Đồng thời gửi thông điệp đến toàn thế giới rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biên Đông.
Hành động này của Trung Quốc cũng nhằm mục đích “chọc giận” các nước trong khu vực để khiêu khích các nước có phản kháng thái quá. Đó là cái cớ để Trung Quốc sử dụng những hành động vũ lực để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Bởi lẽ, Trung Quốc là nước mà trước đó đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép đảo, thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng, đây không phải là lần đầu Trung Quốc có hành động khiêu khích như vậy.
Thực tế, thế giới chưa bao giờ thừa nhận những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và đều phản đối những hành động gây xung đột, đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Nhìn nhận về ý đồ của Trung Quốc ở bước đi lần này để hiểu hơn các biện pháp đấu tranh ngoại giao rất quyết liệt của nước ta. Đó là biện pháp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn nhận và phản ứng trước tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và nên nhớ rằng Việt Nam luôn sẵn sàng sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người vì thiếu tỉnh táo, chủ quan mà vội vàng đưa ra phán xét, quy chụp cho rằng Nhà nước phản ứng yếu ớt, nhu nhược… Yêu nước luôn phải giữ trái tim nóng với cái đầu lạnh.
Tâm Ngôn
Tâm Ngôn
Nhận xét
Đăng nhận xét