HÀ NỘI CẦN LÀM ĐIỀU NÀY ĐỂ LÀM SẠCH SÔNG TÔ LỊCH
Mới đây, công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), đơn vị phối hợp lắp đặt công nghệ nano Nhật Bản dưới sông Tô Lịch đã công bố kết quả xử lý bùn của máy sục khí sau nhiều ngày thử nghiệm. Bước đầu cho thấy, "bảo bối" của Nhật Bản đang cho những kết quả hết sức khả quan. Theo đó, tính từ thời điểm đặt máy (16/5) đến ngày 08/7, độ dày của bùn giảm mạnh. Tại điểm B1 (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m), độ dày bùn giảm từ 91,3cm giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m), độ dày bùn giảm từ 96,7cm xuống chỉ còn 19cm.
Ngày 17/6, JVE tiếp tục thí điểm khả năng xử lý bùn của công nghệ Nano. Một đoạn bùn nổi vệ bờ sông Tô Lịch rộng khoảng 70m2 được quây lại bằng rào sắt và đặt thêm tấm vật liệu thiên nhiên, bơm nước đã qua xử lý qua máy sục khí chảy vào. Kết quả sau theo JVE công bố, sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm, độ dày của bùn trong khu quây rào sắt giảm mạnh. Tại vị trí TL-VT4, bên trong khu vực xử lý bùn, độ dày bùn giảm từ 73cm xuống còn 35 cm (giảm 38cm, tương đương 52,05%).
Với những kết quả khả quan đã ghi nhận, công nghệ Nano Nhật Bản do JVE tiến hành được mong chờ sẽ là giải pháp hiệu quả để biến Tô Lịch trở thành con sông sạch. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội cần thiết phải có giải pháp hiệu quả để phân tách dòng nước thải sinh hoạt ra khỏi sông Tô Lịch.
Ảnh: Máy sục công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản đang hoạt động tại sông Tô Lịch (nguồn tienphong.vn)
Mới là kết quả thử nghiệm mô hình
Nghiên cứu mô hình vận hành công nghệ nano của Nhật Bản cho thấy một số vấn đề sau: Quy mô vận hành mô hình mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm bởi diện tích lòng sông Tô Lịch áp dụng công nghệ này chỉ dừng ở mức 70m2. Bên cạnh đó, với việc được quây lại bằng rào sắt và tấm vật liệu thiên nhiên, khu vực xử lý bùn trở nên tương đối biệt lập với môi trường thực tế hiện nay của sông Tô Lịch.
Do đó, có thể thấy rằng, kết quả xử lý bùn lòng sông Tô Lịch được ghi nhận vừa qua thực chất là kết quả xử lý trong những điều kiện tiêu chuẩn của công nghệ Nano. Nó chưa phản ánh đầy đủ kết quả thực tế khi áp dụng "đại trà" đối với sông Tô Lịch. Nói theo cách khác, công nghệ Nano chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi được vận hành trong một môi trường "tĩnh". Môi trường "tĩnh" ở đây được hiểu là môi trường có sự ổn định về tính chất trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch đã được chỉ rõ từ lâu. Về bản chất, sông Tô Lịch là một con sông chết khi không hề có nguồn nước nội sinh, việc cấp nước cho sông Tô Lịch được thực hiện bằng việc bổ cập từ nước mưa, nước sông Hồng và "nước thải sinh hoạt". Theo ước tính, mỗi ngày sông Tô Lịch hứng chịu khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Đây là nguyên nhân khiến dòng sông không ngừng bốc lên mùi hôi thối.
Quay trở lại câu chuyện về việc áp dụng công nghệ nano để làm sạch sông Tô Lịch, có thể thấy rằng, giải pháp mà các chuyên gia Nhật Bản đưa ra mới chỉ giải quyết được vấn đề ở phần ngọn, còn căn nguyên vấn đề về việc phân tách nguồn nước thải sinh hoạt đang ngày ngày được xả trực tiếp ra sông Tô Lịch vẫn là câu hỏi chưa có lời giải trong suốt thời gian qua.
Cần phải làm gì?
Công thức làm sạch sông Tô Lịch: Một là đưa nước sông Hồng vào để lọc thải. Hai là, đưa những chất hút mùi để xử lý lớp bùn bị ô nhiễm đang tích tụ dưới lòng sông.
Ghi nhận từ thực tế, chỉ sau 2 ngày 09 -10/7 xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng sông Tô Lịch lại trở lại với rác thải, xác sinh vật lềnh bềnh trên mặt sông. Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nguyên nhân được cho là do gần 300 cống thải sinh hoạt của các hộ dân không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường.
Với hiện trạng ô nhiễm này, để giải quyết được căn nguyên vấn đề cần xem xét đến phương án ngăn dòng chảy nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông Tô Lịch, thiết lập hệ thống đường dẫn thải kín, dẫn tất cả các đường nước thải sinh hoạt hiện có tập trung thành một hệ thống kín, không xả trực tiếp ra sông Tô Lịch mà tập trung lại tại khu vực xử lý chất thải. Sản phẩm của quá trình là loại nước đã qua xử lý, đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo môi trường mới được đưa trở lại nguồn nước sông Tô Lịch.
Ảnh: Phối cảnh Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì)
Trong phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội đang xây dựng dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km.
Như vậy, đây mới là bước đi đúng đắn và là điều kiện cần để có thể giải quyết dứt điểm nguồn gốc ô nhiễm của các dòng sông nội khu trong thành phố Hà Nội nói chung và sông Tô Lịch nói riêng. Qua đó, giúp làm "sống lại" các con sông như mong ước của bao người dân Thủ đô.
Nhận xét
Đăng nhận xét