Trật tự thế giới có thực sự đang xoay chuyển? Mô hình phát triển quan hệ đồng minh dựa trên pháp luật và dân chủ lấy Mỹ là trung tâm đang gặp phải những thách thức và sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc mới nổi. Cục diện thế giới sau 30 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh đang có những thay đổi lớn.
Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và sự chia rẽ ngày càng tăng trong xã hội. Mỹ thì đã rõ với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Câu hỏi là châu Âu có vẻ như đang tan rã và muốn thiết lập lại trật tự của mình trong một trật tự mới của thế giới.
Khó khăn đã được tiên lượng
Suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Trên khắp châu Âu và đặc biệt là tại khu vực đồng euro gồm 18 thành viên, những tin tức về kinh tế không mấy khả quan. Hiện ai cũng biết rõ rằng cuộc khủng hoảng tín dụng tại các thị trường đang nổi đã diễn ra trong suốt năm qua, cùng với tình trạng giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã gây ra những hậu quả tiêu cực tại châu Âu. Tương lai bất ổn và nguy cơ khủng hoảng trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Anh lan sang cả Pháp, Italy và những nơi khác.
Phong trào “áo gile vàng” cho thấy những mâu thuẫn nội tại của châu Âu. Ảnh: Green Left Weekly. |
Từ viễn cảnh của châu Âu, 2019 hứa hẹn sẽ lại là một năm đầy khó khăn, bị chi phối bởi những thách thức to lớn có thể dễ dàng biến thành những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng; trừ khi có một sự đảo ngược của việc Vương quốc Anh rút khỏi EU vào ngày 29-3 tới. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực. Pháp có thể vẫn mắc kẹt trong các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy và sẽ lấy đi vai trò lãnh đạo của nước này trong việc theo đuổi các cải cách của EU.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới có thể sẽ giúp những người theo chủ nghĩa dân tộc chiếm đa số hoặc chiếm gần đa số trong nghị viện, khi đó những thành viên tiếp theo của EU, lãnh đạo Hội đồng châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại sẽ được xác định. Rõ ràng, chiến thắng dành cho những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ là một thảm họa đối với EU, bởi vì nó sẽ làm trật hướng các cải cách cần thiết và gây thêm chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.
Dù có chuyện gì xảy ra, cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của châu Âu sẽ là một sự rối loạn quốc tế. Nói một cách rộng hơn, nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, trong khi tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới đây.
Trong bối cảnh những thách thức có thể đoán trước này, sự sống còn của kế hoạch châu Âu cũng đang lâm nguy. Nhiều người lo ngại không biết Brexit (Anh rút khỏi EU) sẽ diễn ra trong trật tự hay hỗn loạn. Nếu hỗn loạn sẽ có nhiều người thua cuộc và quan hệ Anh - EU sẽ bị “đầu độc” trong một thời gian dài. Không ai ở bờ bên kia của eo biển Manche lại mong muốn kết quả như vậy. Cuộc sống sẽ tiếp tục sau “li hôn” (Brexit) và nhìn chung việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh là lợi ích của cả hai bên.
Các cuộc khủng hoảng đe dọa châu Âu
Tại châu Âu và trên khắp thế giới, chúng ta có thể nhận thấy làn sóng chống lại các nhóm "chóp bu" (nhóm những người "được bảo vệ"). Họ không quan tâm tới các vấn đề của nhóm những người "không được bảo vệ" - nhóm người đang yêu cầu cần được chú ý. Làn sóng này đang lan khắp châu Âu.
Vấn đề Ukraine cũng gây căng thẳng cho EU. Ảnh: The Malaysian Times. |
Tại Đức, Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schauble đang ủng hộ một ứng cử viên lên thay bà Merkel lãnh đạo đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU). Ông công khai tìm cách tranh thủ các cử tri từng từ bỏ đảng và chuyển sang ủng hộ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AFD) - một đảng dân túy chủ trương chống nhập cư. Đây là một "cú thúc" cho phe bảo thủ của nước Đức và là cách tiếp cận mang tính dân túy hơn cho các đảng lớn của nước này.
Sợi chỉ chung xuyên suốt các sự kiện kể trên là ý tưởng về một châu Âu thống nhất. Ý tưởng này là một lực đẩy góp phần hình thành EU. Cho tới tận cách đây vài năm, ý tưởng này vẫn rất được ưa chuộng trong giới lãnh đạo chính trị, tuy nhiên sự ủng hộ dành cho nó đã dần suy yếu khi bối cảnh kinh tế thay đổi. Ý tưởng này chưa bao giờ khả thi, song nỗ lực này rất có ý nghĩa đối với một châu lục đã bị thiệt hại sau nhiều thế kỷ chiến tranh lặp đi lặp lại.
Tại Pháp, phe “Áo gile vàng” đã hợp nhất những yêu cầu của họ về kinh tế sau khi ban đầu họ đổ ra đường để phản đối thuế nhiên liệu. Phong trào này cũng bao gồm những thành phần bất mãn về sự mai một của lối sống truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu. Tại hầu hết các nước phương Tây, sự bất mãn này thường tập trung ở các cử tri trung lưu và tầng lớp lao động truyền thống, họ kết luận rằng thỏa thuận xã hội thời hậu chiến là vô giá trị. Làm việc chăm chỉ không còn đảm bảo cho an ninh kinh tế và sự phát triển của xã hội.
Các quan chức phương Tây sẽ không giành được sự tin tưởng của dân chúng nữa cho đến khi họ có thể giải quyết được vấn đề này mà trong đó giá trị dân chủ và các thể chế cốt lõi không phải là vai trò chủ đạo. Vấn đề còn phức tạp hơn khi cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi từ Tây sang Đông, khủng hoảng khí hậu gia tăng, các công nghệ mới về kỹ thuật số đang cách mạng hóa cuộc sống và công việc của người dân, làn sóng tị nạn và di cư đang khiến những người theo chủ nghĩa dân túy thêm tức giận.
Nhưng, nếu các lực lượng dân túy có kế hoạch giải quyết những thách thức này, họ sẽ giữ bí mật. Thực tế, một châu Âu đoàn kết sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử năm tới. Nếu chủ nghĩa dân túy thắng, châu Âu thua. Điều đó cũng không giúp ích được gì cho thực tế rằng hầu hết những thay đổi lớn đối với trật tự quốc tế trong vài thập kỷ qua đã khiến châu Âu phải trả giá. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cách mạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo dường như đang gạt châu Âu sang một bên. Cho đến nay, Lục địa già vẫn đang “ngủ quên trên chiến thắng”. Nếu không sớm tỉnh giấc thì châu Âu sẽ mất đi cơ hội kiểm soát các lực lượng làm thay đổi.
Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm sau. Các cuộc tranh luận truyền thống ở châu Âu có thể không còn là về sức mạnh của liên minh Đại Tây Dương hay tiến trình bền vững tiến tới “sự hợp nhất chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã nói lời “tạm biệt” và mô hình xã hội cũ của châu Âu đã đổ vỡ mà chưa có sự thay thế...
Các cuộc khủng hoảng đe dọa châu Âu sẽ ngày càng hiện hữu. Do đó, 2019 sẽ là năm mang tính chất quyết định đối với số phận của châu Âu chứ không phải là sự khởi đầu mới của khối này. Nhưng về dài hạn, một châu Âu tái thiết sẽ là lựa chọn duy nhất. Nghịch lý đó sẽ xác định thời kỳ quá độ mà không thể đi tắt đón đầu.
Tương lai nào cho châu Âu?
Michel Barnier - cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và hiện là Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit cho rằng, châu Âu đang ngày càng trở nên lung lay. Michel Barnier phân tích, trong khi những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trước mắt thì lựa chọn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều nơi đang là những thách thức mới đối với an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu. Bên cạnh đó còn là sự lan tràn của những tin tức giả và các cuộc tấn công khủng bố, gần đây nhất là tại Strasbourg, Pháp, trong mùa Giáng sinh vừa qua.
Các cuộc biểu tình ủng hộ EU cũng có, phản đối EU cũng có. Ảnh: BBC |
Hơn bao giờ hết, người dân châu Âu cần hành động tập thể nhằm bảo vệ các giá trị và trật tự quốc tế được hình thành dựa trên luật pháp. Đây có thể là thời điểm của châu Âu, dựa trên một EU quyết đoán và mạnh mẽ hơn, như Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi gần đây. Để làm được điều đó, châu Âu phải cùng nhau đối phó với những thách thức về chủ quyền và đảm bảo có một cơ chế điều hành kịp thời.
Theo ông Barnier, để nắm giữ được thời cơ trong năm 2019, các nhà lãnh đạo châu Âu nên tập trung vào 4 điểm ưu tiên then chốt. Đầu tiên là xây dựng một "châu Âu Xanh". Nếu mọi quốc gia trên thế giới có lượng tài nguyên như phần lớn các nước châu Âu, thì thế giới cần gấp 3 lần lượng tài nguyên như thế để duy trì cuộc sống của mọi người. Đây không chỉ là vấn đề đối với các thế hệ tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí sẽ lấy đi hơn 3,4 triệu năm cuộc sống trên khắp châu Âu mỗi năm.
Ông Barnier cho rằng EU cần suy nghĩ và hành động một cách bạo dạn hơn. Xây dựng một nền kinh tế phục vụ mọi người. Hiện nay có khoảng 17 triệu người thất nghiệp tại châu Âu, trong đó khoảng 35% hoặc hơn là những thanh niên trẻ ở Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Trong bối cảnh thu nhập ở nhiều nước thành viên EU không bắt kịp mức trung bình của toàn EU, sự hội tụ về kinh tế đang bị đình trệ. Trên hết, EU cần tăng cường hơn nữa Liên minh tiền tệ châu Âu, thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro và cùng đầu tư lớn vào các công nghệ chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số.
Quản lý toàn cầu hóa nghĩa là không ai bị bỏ lại phía sau mà không được tiếp cận các cơ hội kinh tế hay các dịch vụ công. Ông Barnier cho rằng, để đáp lại sức ép về tài chính và nhân khẩu học, EU cần cải thiện các chính sách xã hội và giáo dục. EU có thể bắt đầu bằng việc chỉ ra những kỹ năng và việc làm sẽ cần tới trong năm 2030, nhằm lường trước những thay đổi có thể xảy ra. Tuy nhiên, EU cũng phải đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia phải trả thuế đầy đủ và rằng cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ số là hoàn toàn công bằng.
Trọng tâm thứ ba là kiểm soát các đường biên giới của EU và đối phó với các thách thức về nhập cư. Các biện pháp đáp trả của EU không thể dựa trên sự sợ hãi và những chuyện hoang đường. EU cũng không thể phớt lờ các cuộc tranh luận và bản sắc của các quốc gia thành viên. Ông Barnier kêu gọi EU cần tập trung vào các cơ chế thực sự có hiệu quả. Ngoài việc phải củng cố hệ thống quản lý biên giới Frontex, EU cũng phải cân đối các chính sách nhập cư và tị nạn ở cấp quốc gia.
Châu Âu cần tăng cường các cơ chế đoàn kết và đền bù cho những quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nhiều hơn hoặc phải làm nhiều hơn các nước khác về vấn đề nhập cư. EU phải hợp tác với các đối tác bên ngoài EU, không chỉ bằng cách phát triển quan hệ đối tác toàn diện với châu Phi về phát triển kinh tế và quản lý người nhập cư. Đến năm 2050, châu Phi sẽ là nhà của 2,5 tỷ người, một nửa trong số này đều dưới 25 tuổi.
Điều cuối cùng song không kém phần quan trọng là châu Âu không thể tiếp tục chi trả cho bên ngoài để đảm bảo an ninh cho khu vực nữa. Châu Âu chỉ đứng sau Mỹ về chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, đầu tư của EU trong lĩnh vực này bị dàn trải. Ví dụ, EU sản xuất tới 17 mẫu xe tăng, trong khi Mỹ chủ yếu chỉ dựa vào duy nhất một loại. Chi phí sao chép quân sự kiểu này khiến châu Âu tiêu tốn tới 20 tỷ euro một năm. Điều may mắn là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, EU đã đạt được tiến triển trong việc tiến tới cùng nhau sản xuất các thiết bị và công nghệ thông qua Quỹ Quốc phòng châu Âu, chấm dứt sự cạnh tranh giữa EU và NATO, thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của các nước thành viên. Hiện nay, EU phải xây dựng củng cố các sáng kiến này và tiến xa hơn nữa, bằng cách tăng cường các công cụ quản lý khủng hoảng và phát triển một văn hóa chiến lược chung.
Để đối phó với các thách thức hiện nay, châu Âu sẽ cần sự can đảm chính trị ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ toàn liên minh. Tuy nhiên, EU cũng cần phải minh bạch, tranh luận một cách nhạy bén, sự lãnh đạo hiệu quả và đáng tin cậy và các cách thức mới để lôi kéo người dân cùng tham gia. Chỉ khi làm được như vậy, người dân mới thực sự tin tưởng rằng châu Âu sẽ là tương lai và đây không còn là mong ước hão huyền nữa.
Hoa Vinh
Nhận xét
Đăng nhận xét