Nhìn cái "triển lãm tâm trạng" ngồn ngộn của người trẻ trên facebook ngày nay, tôi tự hỏi: có phải mạng xã hội đã khiến các bạn trẻ không còn chú ý đến việc xây dựng những thế giới riêng tư của mình nữa?
Tôi thuộc lớp người đã ở tuổi "xế chiều", và phải nói là tôi chỉ tham gia đời sống facebook trong khoảng 1 năm trở lại đây. Lúc đầu, tôi kiên quyết nói không với facebook, sau được nhiều bạn bè động viên rằng, vào facebook có cơ may lớn để tìm lại những người bạn cũ hàng chục năm về trước, cũng có thể dễ dàng nắm bắt đời sống của nhau, trao đổi cùng nhau, nên tôi đã quyết định không đứng ngoài cuộc.
Trong suốt 1 năm trở thành một phần bé nhỏ của thế giới facebook, tôi quan sát được nhiều, chiêm nghiệm nhiều, và tôi nhận thấy một sự khác biệt rất lớn trong cách ứng xử của những bạn trẻ hôm nay so với thời chúng tôi còn trẻ ngày xưa: tôi cảm giác rằng hôm nay, có bất cứ vấn đề cá nhân nào, các bạn trẻ cũng nghĩ ngay đến nhu cầu công khai hoá trên facebook, còn ngày xưa chúng tôi lại gửi gắm những vấn đề đó trong những trang nhật ký viết tay.
Ở đây, tôi tuyệt đối không có ý định so sánh, chê bai người trẻ, vì tôi hiểu mỗi thời đại có đặc điểm riêng của nó, và mỗi thế hệ đều phải học cách chấp nhận sự khác biệt với những thế hệ đi trước hoặc đi sau mình.
Điều tôi muốn nói đơn giản chỉ là, xét ở góc độ tâm lý thế hệ thì giữa một thế hệ mà gần như cái gì cũng bí mật hoá với một thế hệ mà gần như cái gì cũng công khai hoá, liệu sẽ tạo nên những khác biệt căn cốt, với những ưu, nhược điểm riêng như thế nào?
Ngày xưa chúng tôi có rung cảm với ai chúng tôi cũng chia sẻ một cách bí mật với 1,2 người bạn thân hoặc trong cuốn nhật ký mà cứ phải cố giấu nó thật kỹ, sao cho không ai trong nhà tìm ra được. Có giận dỗi ai, bực tức ai, căm ghét ai cũng bí mật theo cách ấy.
Thời ấy, có một câu cửa miệng mà bây giờ nhớ lại tôi nghĩ rằng nó vừa đụng chạm tới mặt hay lẫn mặt dở của sự bí mật, đó là: "Cứ giấu như mèo giấu...".
Còn bây giờ trên facebook, trong rất trường hợp, các bạn trẻ công khai một cảm xúc, một mối quan hệ cá nhân, và nhờ chức năng "like" và "share”, sự công khai đó nhận được sự cộng hưởng ghê gớm. Thời tôi, một phần là chúng tôi không đủ dũng cảm để tạo ra những sự công khai, lan toả ấy, một phần cũng chẳng có công cụ hữu hiệu để giúp mình làm điều ấy.
Ảnh: L.G. |
Nghĩ lại nhiều lúc thấy buồn cười, cái gì cũng giấu, cái gì cũng sợ, và thường xuyên tự mình gặm nhắm những xúc cảm của mình. Nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi đã có những thế giới riêng tư. Và tôi thấy rất thấm thía một câu nói của người yêu tôi (giờ là ông chồng già của tôi), rằng ai biết xây dựng, chăm sóc thế giới riêng tư một cách đầy đặn, người ấy không bao giờ đau khổ.
Nghĩ như thế nên nhìn cái "triển lãm tâm trạng" ngồn ngộn của người trẻ trên facebook ngày nay, tôi tự hỏi: có phải mạng xã hội đã khiến các bạn trẻ không còn chú ý đến việc xây dựng những thế giới riêng tư của mình nữa? Và nếu những thế giới riêng tư ngày một mỏng thì đời sống nội tâm của người trẻ sẽ bị tác động ở cả hai chiều tích cực - tiêu cực như thế nào?
Hôm rồi, ngồi cà phê với những người bạn cũ, chúng tôi cùng bàn đến chủ đề này, và tất cả đều thống nhất, nếu thế hệ chúng tôi điển hình cho một sự riêng tư, bí mật quá đà thì thế hệ trẻ hôm nay lại điển hình cho một sự công khai, phát tán quá đà.
Có nghĩa là từ thế hệ chúng tôi đến thế hệ của người trẻ - con cái chúng tôi hôm nay là một hành trình đi từ cực này đến cực kia của cảm xúc. Chúng tôi nói với nhau rằng, "cực này" là quá tả thì "cực kia" là quá hữu, và thực sự thì cả hai thế hệ đều chưa thể đạt được trạng thái ở giữa, trạng thái lẽ ra phải có: trạng thái cân bằng.
Tôi hiểu, tâm trạng của một thế hệ bị chi phối bởi rất nhiều các yếu tố phức tạp khác nhau, nên để tạo nên những thế hệ thực sự đứng ở trạng thái cân bằng là một hành trình rất dài phía trước. Nhưng theo tôi, bản thân mỗi con người trong một thế hệ cần phải ý thức, rồi đi đến nhận thức về việc phải làm gì để với cá nhân mình, con đường đi tới sự cân bằng là ngắn nhất?
Ví dụ với con cái tôi bây giờ, tôi luôn ủng hộ việc tham gia facebook của các cháu, nhưng luôn nhắc các cháu phải biết điều tiết thời gian, liều lượng, và cả chất lượng cảm xúc trên không gian ảo mà lại rất thật này. Phải điều tiết thế nào để vừa có thể giao tiếp, chia sẻ với bạn bè, vừa không đánh mất thế giới riêng tư nhất định phải có của mình.
Phải có ý thức về việc giữ gìn, xây dựng thế giới riêng tư, đấy có phải là một cẩm nang mà các bạn trẻ cần lưu ý khi dấn thân vào thế giới facebook hay không? Tất nhiên, đấy chỉ là suy nghĩ riêng của tôi, và tôi không chắc suy nghĩ của mình là đúng. Rất mong nhận được sự hồi âm của toà soạn. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thanh Nga (TP HCM)
Nhận xét
Đăng nhận xét