Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, khi đề cập vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mạng xã hội không phải ảo như nhiều người nghĩ mà là thật, nếu không bảo đảm an ninh mạng thì hậu quả là khó lường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta không thể lơi lỏng trận địa này; người dân, chính quyền cũng phải sống nhiều hơn trên không gian mạng; khi cái tốt nhiều hơn thì cái xấu sẽ giảm đi. Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, do vậy, không dùng con người để xử lý được.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã bước đầu xây dựng được trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có thể đọc được 100 triệu tin/ngày, có phân tích, đánh giá, phân loại.
Trong những ngày này, khi dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng được công bố thì các thế lực thù địch, phản động cũng bằng mọi cách tung các bài viết tấn công,phê phán Việt Nam áp đặt, xâm phạm quyền con người, quyền tự do Internet, tự do báo chí, đưa ra nhiều quy định trong luật và dự thảo nghị định để đả phá, xuyên tạc.
Cũng với chiêu bài cũ, chúng viện dẫn các đối tượng bị cơ quản bảo vệ pháp luật bắt, xét xử về hành vi lợi dụng Internet để tuyên truyền, chống phá thành cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân mạng”… Chẳng hạn, vừa qua TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm xét xử vụ án tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam đối với 3 bị cáo: Vũ Quang Thuận (52 tuổi, trú tại thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Văn Điển (35 tuổi, trú tại tổ 16A, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và Trần Hoàng Phúc (24 tuổi, trú tại 154/45 Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
HĐXX phúc thẩm đồng tình quan điểm của đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, trong khoảng thời gian từ tháng 10-2016 đến đầu tháng 3-2017, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã có hành vi làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, mạng Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân.
Ba đối tượng này đã phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hay việc TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử Lê Đình Lượng về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo cáo trạng, Lê Đình Lượng đã lập tài khoản trên Facebook nhằm “câu like”, phản hồi, chia sẻ với các tài khoản Facebook khác với nội dung xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức Việt Tân nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Lê Đình Lượng đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, cổ súy cho tổ chức khủng bố Việt Tân; xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam…
Các đối tượng phạm tội quy định trong BLHS, thế nhưng, các đối tượng lại tung hô đây là những “nhà dân chủ”, “nhà cải cách”, vu cáo toà xét xử các bị cáo là vi phạm quyền công dân, quyền tự do dân chủ, Internet…
Đặc điểm chung của các vụ án chống chế độ xã hội, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong thời gian gần đây là: Về nội dung, chủ yếu là xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam, xúc phạm các lãnh tụ của giai cấp công nhân (Mác, Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh); lợi dụng những vấn đề phức tạp về xã hội, tình trạng môi trường ô nhiễm…; về đường lối đối ngoại “đa dạng hóa”, “đa phương hóa” của Đảng và Nhà nước ta để vu cáo Việt Nam đi theo quốc gia này, ngả theo quốc gia khác, phản bội lợi ích của dân tộc... Cá biệt, có nhóm đối tượng hoạt động vũ trang, sử dụng bom, mìn nhằm gây mất an ninh quốc gia, tiến đến lật đổ chế độ xã hội…
Mặc dù khái niệm an ninh mạng ở mỗi quốc gia có phạm vi khác nhau, nhằm vào các đối tượng khác nhau nhưng nhìn chung, các chiến lược an ninh mạng trên thế giới có 4 điểm tương đồng. Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các chính phủ ở cấp độ chính sách và hoạt động. Thứ hai, tăng cường hợp tác công - tư. Không gian mạng phần lớn được kiểm soát và vận hành bởi khu vực tư nhân.
Do vậy, sự hợp tác công - tư (trong đó có thể gồm có doanh nghiệp, xã hội dân sự, cộng đồng công nghệ và giới học giả) là cần thiết, nhằm ứng phó một cách thích hợp những mối đe dọa nhằm vào không gian mạng. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế. Nhiều quốc gia đã nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về không gian mạng.
Trong thời đại toàn cầu hóa, một quốc gia đơn lẻ chắc chắn không thể giải quyết được các vấn đề an ninh mạng mà cần có sự hợp tác trên bình diện quốc tế. Và cuối cùng, những giá trị cơ bản của Internet, bao gồm cả tính riêng tư, tự do ngôn luận và tự do trao đổi thông tin được tôn trọng và nêu bật trong chiến lược an ninh mạng của các quốc gia trên cơ sở bảo đảm tuân thủ pháp luật.
Hiện nay, công tác bảo đảm an ninh mạng trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Với việc thừa nhận rộng rãi mức độ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực với đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh, xu hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng đã lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, điển hình là Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Trong xu thế đó, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật, dưới luật về an ninh mạng. Nhận thức về vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các chiến lược an ninh mạng, các đạo luật hoặc tương tự tại trên 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng nội dung chính của đạo luật này tại các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng Internet. Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên trên thế giới có chiến lược đảm bảo an ninh mạng.
Nhiều người nói Mỹ là “thiên đường tự do”, Internet ở đây không bị kiểm soát, ai thích viết gì, nói gì tùy ý. Đây là quan niệm sai lầm. Mỹ là quốc gia được đánh giá có hệ thống bảo mật lâu đời và an toàn nhất trên thế giới, nhưng cũng bị tấn công mạng.
Điển hình như vụ việc gây rúng động khi các tin tặc xâm nhập vào hệ thống của Equifax (1 trong 3 cơ quan tín dụng lớn nhất Mỹ) hồi tháng 7-2017, lấy cắp dữ liệu cá nhân của 145 triệu người, trong đó có cả những thông tin quan trọng như số an sinh xã hội…
Chính sách an ninh mạng tại Mỹ xuất hiện từ năm 2013 và từ đó thường xuyên được điều chỉnh. Thậm chí, các quy định về an ninh mạng là những quy định được sửa đổi nhanh nhất và nhiều nhất tại Mỹ để phù hợp với diễn biến nhanh chóng của tình hình an ninh mạng.
Việt Nam xếp thứ 7 với 58 triệu người dùng, tăng 5% trong quý I năm 2018. Riêng TP Hồ Chí Minh nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng. Đáng chú ý, cùng việc sử dụng mạng Internet để xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân, tổ chức thì các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Âm mưu của kẻ địch luôn mượn chuyện Đảng ta chống tham nhũng, chống suy thoái, từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộm như vậy để xoay ngược, phê phán, suy diễn kiểu quy chụp hòng gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi trong nhân dân về chuyện “phe cánh”.
Facebook, mạng xã hội còn được các đối tượng lợi dụng để cổ súy quan điểm sai trái, gây chia rẽ, hiềm khích trong các tầng lớp nhân dân, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động biểu tình, chống phá (nhiều vụ gây thiệt hại lớn như việc các đối tượng kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng; kích động biểu tình ở một số tỉnh Bắc miền Trung sau thảm họa cá chết hàng loạt…).
Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chính trị ở nước ta.
Cũng như mọi quốc gia, bảo đảm an ninh mạng chính là bảo đảm quyền con người. Bảo đảm quyền con người trên không gian mạng là một yêu cầu khách quan, không thể khác. Do đó, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và việc Chính phủ soạn thảo các nghị định có liên quan là yêu cầu khách quan, không thể nói Việt Nam làm luật và phát triển kỹ thuật “để bịt miệng dân và củng cố chế độ độc tài” như một số luận điệu.
Nguyễn Trung Kiên
Nhận xét
Đăng nhận xét