Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
“Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân”, đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội Nghị Trung ương 8.
Tại Hội nghị này, có dự thảo rất quan trọng về Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương.
Trong đó có vấn đề “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”.
|
Đó là đoạn trích từ toàn văn bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở phần nói về công tác xây dựng Đảng. Khi Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng đặc biệt có cả những cán bộ cấp cao đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chúng ta hiểu rằng có những đồn đoán đang xôn xao ngoài xã hội không hẳn chỉ là hoài nghi đơn thuần.
Và cho dù những đồn đoán ấy chưa được minh định bằng những thông tin chính thống đi chăng nữa, chúng ta phải thừa nhận với nhau một thực tế. Đó là việc đang tồn tại những hoài nghi của quần chúng đối với phẩm chất của những Đảng viên đang giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Và khi hoài nghi tồn tại, nó đồng nghĩa với việc có những con người trong bộ máy đã làm hình ảnh của Đảng lãnh đạo, của Nhà nước, của Chính phủ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Mà cách đây cũng chưa lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng một lần khẳng định rằng khi đã đánh mất lòng tin, điều đó có thể gây ra nguy cơ mất chế độ.
Thực tế, không ít lần, trong các cuộc chuyện trò, mỗi cá nhân chúng ta đều quen nghe một kiểu xầm xì xoay quanh khối tài sản đáng kinh ngạc của một tổ chức, cá nhân nào đó, hoặc xoay quanh một dự án “khủng” đó đây kiểu thông tin rằng “đằng sau là ông ABC nào đó chống lưng”.
Thông tin kiểu “vỉa hè” này không hẳn chỉ là tin vịt đơn thuần và dù độ chính xác của nó chưa thể được thẩm tra đi nữa, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực trạng đáng buồn là chuyện lợi dụng cương vị để trục lợi cho bản thân, cho một nhóm riêng nào đó là có, thậm chí là phổ biến.
Chính nó là lực cản lớn nhất trong việc cải cách và phát triển kinh tế ở Việt Nam và cũng đã có khá nhiều bài viết của những nhà báo uy tín nước ngoài đã chỉ ra rằng vấn nạn tham nhũng là thứ mà Việt Nam cần phải giải quyết rốt ráo nếu muốn vươn tầm.
Để chống tham nhũng, tất nhiên có nhiều công cụ, có nhiều phuơng thức đồng bộ khác nhau có thể được thực hiện. Một loạt những đại án được phanh phui mấy năm gần đây, gắn liền với tên tuổi một số quan chức cấp cao đã lấy lại được lòng tin rất lớn trong quần chúng song đó vẫn chỉ là bước khởi đầu thuận lợi trong cuộc chiến cam go này.
Và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, song song với việc chỉnh đốn thì trước tiên phải xây dựng đã. Mà trong công tác xây dựng một bộ máy lành mạnh, rõ ràng vai trò của việc xây dựng những cá nhân trong sạch, hay nói khác hơn là công tác nhân sự là vô cùng quan trọng.
Chính vì lẽ đó, phần làm việc rất cơ bản và đáng quan tâm của Hội nghị Trung ương 8 lần này chính là “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” mà trong đó đặc biệt nhất là những đảng viên lãnh đạo phải là những tấm gương hàng đầu.
Chỉ có thể tạo dựng niềm tin một cách nhanh chóng nhất bằng cách chính những đảng viên lãnh đạo, cốt cán phải đi đầu trong minh bạch, trong kê khai tài sản và cả trong tinh thần dám chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Xưa nay, con người ta vẫn quen sống với một thước đo mang tính quy luật là dưới nhìn lên trên mà hành xử. Nó không khác gì ở trong mỗi gia đình, chúng ta chỉ có thể khuyên con cái mình sinh hoạt lành mạnh nếu chính chúng ta là người phải lành mạnh trước nhất.
Và với việc Hội nghị Trung ương 8 đưa ra đòi hỏi chính các cán bộ cấp cao phải chủ động từ chức khi không còn đủ điều kiện và uy tín, có thể nói rằng bước cơ bản đầu tiên của văn hoá từ chức đã bắt đầu được hình thành. Đó cũng chính là bước nền tảng để xây dựng một môi trường quản trị nhà nước mới mẻ với tinh thần chịu trách nhiệm cá nhân. Lâu nay rồi, chúng ta vẫn quen với việc hễ xảy ra một vụ việc nào đó sai phạm là lập tức xuất hiện lời xin lỗi đến từ tập thể.
Ví dụ điển hình là việc UBND TP HCM xin lỗi nhân dân Thủ Thiêm hồi cuối tháng 9 vừa rồi. Thực chất, UBND không có lỗi. UBND là một cơ quan, một bộ máy hoạt động hoàn toàn lý tính theo đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Cái sai đến từ cá nhân chứ không phải cả cỗ máy lý tính ấy mắc sai lầm.
Việc để tập thể đứng ra xin lỗi thực tế rất nực cười và nó chung chung vô cùng vì cuối cùng không biết quy trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xử lý, trách nhiệm gánh vác thiệt hại cho ai. Nó không khác gì chuyện một tài xế lái xe gây tai nạn và lời xin lỗi được đưa ra là đại diện “cái xe”.
Lời xin lỗi phải đến từ tài xế. Trách nhiệm trước toà án là phải thuộc về tài xế. Không ai lại mang chiếc xe ra để xử lý cả. Và ngay cả khi cái xe có lỗi kỹ thuật đi chăng nữa thì cũng phải có một, vài người nào đó của hãng sản xuất chịu trách nhiệm vì lỗi kỹ thuật ấy chứ không phải quy trách nhiệm cho cả hãng sản xuất xe, dù rằng hãng sẽ bị ảnh hưởng uy tín khá nhiều.
Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận rằng ở thời đại phát triển như hôm nay, quyền lợi của những cán bộ đã tốt hơn rất nhiều so với quá khứ. Thậm chí, có nhiều cán bộ ở những cương vị quan trọng có quyền lợi rất lớn. Đó là sự ưu đãi mà Đảng và Nhà nước dành cho những người làm việc, đúng theo tinh thần thu hút nhân tài.
Nhưng song song với quyền lợi ấy phải là trách nhiệm. Không thể nào hành xử trước quần chúng theo lối “ăn cỗ thì đi trước mà lội nước thì theo sau” được. Và Hội nghị Trung ương lần này đã trả đúng về tinh thần trách nhiệm đó, khi yêu cầu, thậm chí là đòi hỏi, chính cán bộ càng cao cấp lại càng phải đi trước, phải lộ sáng để dân được “kiểm tra” đúng nghĩa.
Sẽ là tín hiệu rất đáng mừng nếu sau Hội nghị Trung ương 8, nghị quyết đưa ra được thực thi lập tức. Nếu nhân dân được thấy những con số từ việc kê khai tài sản của lãnh đạo, được chứng kiến những lãnh đạo mất uy tín đứng ra từ chức, nhân dân sẽ tin rằng con đường phát triển đang hanh thông, thuận lợi.
Và đó chính là bước cải cách cần thiết và cấp bách lúc này, khi mà tình hình chính trị, xã hội trên thế giới đang có những diễn biến rất phức tạp.
Và chỉ có sự cải cách ấy mới có thể cho chúng ta sự ổn định để tập trung phát triển kinh thế ngõ hầu đạt được những mục tiêu đã được đặt ra trước đó cũng như để tạo cả niềm tin với chính các đối tác tiềm năng đến từ nước ngoài.
Hà Quang Minh
Nhận xét
Đăng nhận xét