Kỳ 4: Xâm nhập những đường dây "ma"
Cách cổng bệnh viện 50m, nhà báo Đào Minh Khoa, người đã 75 tuổi, vào vai một cụ ông từ Hà Nam lang thang gần khu bệnh viện, thì lập tức được một số người lái xe taxi, xe ôm tại quán cắt tóc gần đó gọi hỏi: "Bác đi đâu?".
Nhà báo trả lời: "Tôi lên bệnh viện, định hỏi việc cho đứa cháu, mà chẳng quen biết ai cả". Số người nêu trên cười nói: "Chắc bác đi hỏi mua bệnh án tâm thần chứ gì? Cứ về phía cổng bệnh viện mà hỏi". Nhà báo tiến vào quán nước của một người đàn bà tên S ngay trước cổng bệnh viện.
Sau một hồi làm quen, người đàn bà này đã nhanh chóng hiểu chuyện, vừa chỉ tay sang phía bên kia đường vừa hướng dẫn: "Ông sang quầy thuốc tân dược bên kia, hỏi cô V, cô ấy là trưởng khoa, việc gì cũng giải quyết cho ông được".
"Cò" S đang hướng dẫn nhà báo tiếp cận cửa để có bệnh án tâm thần. |
Ngồi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, phóng viên lập tức tỏ vẻ vui mừng với bà S như vừa gặp được quý nhân, kéo xích ghế lại gần hỏi nhỏ bà S: "May quá, cháu gặp được bà. Chẳng giấu gì bà, cháu từ Nam Định lên, đang tìm “cửa mua” bệnh án tâm thần (BATT) cho đứa em mà không biết hỏi ai".
Bà S gần như rất chuyên nghiệp, không nói nhiều, bà vào luôn vấn đề: "Em mày định làm gì với bệnh án đó?". Và một câu chuyện với nội dung "cháu có đưa em, trẻ người non dạ, tuần trước vừa đánh nhau với một đứa, giờ thằng kia nằm tại bệnh viện ở quê; bác sỹ đang bảo nằm theo dõi chấn thương sọ não".
Được nhà báo cung cấp, bà S tỏ vẻ rất am hiểu về luật pháp: "Thế đã bị Công an bắt chưa?” - “dạ chưa ạ"; "Nó đang ở nhà à?” – “dạ vâng"; "Nó bao nhiều tuổi?” - “dạ 22 bà ạ” - “Thế thì trẻ quá"; "Nếu mày mà không làm trước thì khéo nó còn đi giám định trước em mày"; "Lên đây là đúng cửa rồi, thế đã gặp nhờ ai chưa?".
Bà S trầm ngâm một chốc lát rồi nói tiếp: “Mày ngồi đây để bà gọi điện cho bác sỹ nó ra". Sau khoảng 5 phút, một thanh niên đi ra từ cổng, không vào quán nước mà đứng phía dưới đường. Bà S liền bảo: “Đi theo anh kia, anh ấy là bác sỹ đó, sang nhà bà bên kia đường gặp rồi trình bày với anh ấy".
Bước vào căn nhà, có một người phụ nữ (con của bà S) đang nấu ăn, người thanh niên chừng 38 tuổi tỏ ra rất thân quen, chỉ phóng viên ngồi vào bàn uống nước. Vừa ngồi xuống, anh ta hỏi nhà báo "thế em có việc gì?".
Phóng viên trình bày lại câu chuyện đang muốn "chạy" cho thằng cu em có bệnh án tâm thần để tránh bị truy tố. Chàng thanh niên xưng tên Th, nói mình là bác sỹ của bệnh viện X, rồi nói "em tắt hết điện thoại đi", phóng viên liền tắt điện thoại, để trên bàn uống nước để tránh sự ngờ vực từ vị bác sỹ nọ...
...Sau khi tắt điện thoại, vị bác sỹ nọ liên tục hỏi về hoàn cảnh gây án, hoàn cảnh gia đình của nhân vật. Vị bác sỹ nọ cũng không quên việc nhìn thẳng vào mắt phóng viên để xem xét độ hư thực của câu chuyện. Vượt qua những câu hỏi đó, sau một cuộc điện thoại, vị bác sỹ nọ kéo ra một chỗ khác nói chuyện với lý do: "Đến giờ trưa rồi, ra đây ngồi với anh, vừa đi vừa bàn chuyện". Ra đến cửa, đã có một thanh niên khác ngồi trên xe máy chờ sẵn, phóng viên lên xe đi cùng cả hai người ra một quán bia hơi, cách bệnh viện chừng 6km.
Vừa đi, vị bác sỹ kia vừa hỏi: "Thế em làm nghề gì?” - “dạ em làm ở ngân hàng". "Em sinh năm bao nhiêu?”. Tại thời điểm này, để tránh việc đối tượng thu thập thông tin cá nhân, xong kiểm tra bằng việc xem căn cước công dân để so sánh, phóng viên đã khai thật hoàn toàn theo đúng căn cước công dân của mình: “Dạ 1988. Quê em ở đâu? Em làm ở đâu? Em đi gì xuống đây?”...
Và một loạt câu hỏi khác đã được đưa ra. Sau đó, vị bác sỹ kia hỏi lý do: "Sao biết mà lên đây tìm"... Một câu chuyện dài nữa đã được kể. Không nằm ngoài dự đoán, khi đến một quán bia, đối tượng đã đòi cho kiểm tra điện thoại xem có ghi âm, ghi hình không và đòi xem căn cước công dân để so sánh với những gì mình được nghe. Thấy đúng với những gì đã nói, đối tượng đã hoàn toàn tin tưởng.
Vị bác sỹ nọ dặn dò: "Cách làm việc của anh là thế, đã gặp anh là phải tắt hết điện thoại. Khi anh gọi điện cho em, anh không nói nhiều, chỉ nói lên đây chơi với anh là em phải hiểu ý là lên bệnh viện gặp anh. Không được hỏi lại và nói dài dòng trên điện thoại. Nếu tối anh gọi thì hôm sau phải dẫn em em và mẹ nó lên gặp anh. Khi đi, nhớ mang theo tiền...".
Phóng viên hỏi, “thế là nhập viện luôn hả anh?”. Đối tượng trả lời: "Tất nhiên, khi anh đã gọi như vậy là được việc thì anh mới gọi". Đối tượng còn không quên dặn dò: "Tuyệt đối không được nói chuyện với ai, chỉ có em, cô em và em của em biết. Ngoài ra thì không còn người nào biết, kể cả bạn em, người đã hướng dẫn em lên đây, hay hàng xóm của nhà cô em cũng vậy...".
Với lý do “Ngân hàng em cấm nhân viên uống bia rượu buổi trưa nên em chỉ uống một cốc rồi xin phép đi về để kịp giờ làm buổi chiều”, bác sỹ Th đồng ý. Khi được hỏi, nếu chạy vậy thì hết bao nhiều tiền, thì bác sỹ Th nói: "Em cứ bảo nhà chuẩn bị từ 30 đến 50 triệu đồng, sau đó như nào anh hướng dẫn sau"...
Lúc này, tại hiệu tân dược phía đối diện cổng phụ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhà báo Đào Minh Khoa cũng đã được vị nữ "Trưởng khoa" hướng dẫn về xin giấy giới thiệu của địa phương, rồi đưa người nhà lên đây. Nhà báo Đào Minh Khoa cũng hỏi: "Nếu không đưa bệnh nhân lên viện thì có được không?”, "Cũng được, nhưng nếu có bệnh nhân thì sẽ khác, không có bệnh nhân thì phải khác..."?
Sau 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi quay về. Bác sỹ Th đã gọi lại cho phóng viên, rồi hướng dẫn rằng: "Em bảo cô em ra chính quyền địa phương xin một giấy giới thiệu đi khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần, cụ thể ghi như nào thì bảo cô em gọi điện trực tiếp cho anh, anh sẽ hướng dẫn ghi...".
Để đảm bảo yêu cầu các quy định về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp báo chí chúng tôi chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng, qua đó, để các cơ quan chức năng nắm được tình hình, kịp thời có giải pháp khắc phục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi mua bán BATT.
Với những bằng chứng trên, chúng tôi nhận thấy, quy trình công tác khám chữa bệnh tâm thần, giám định bệnh tâm thần đang có vấn đề rất lớn. Và với việc cấp BATT một cách dễ dàng như nêu trên sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, chứ không chỉ nằm ở việc thất thoát tiền của của Nhà nước. Hệ lụy của những BATT và giải pháp sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin tại kỳ cuối.
Không chỉ có các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, ma túy đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan tố tụng, mà nguy hiểm hơn, các bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn cũng đã biết và sử dụng "thủ đoạn" này như một tấm phao cứu sinh. Khi đi thực tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chúng tôi được biết, đối tượng Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại nhiều ngân hàng cũng đã nhập viện này để điều trị bệnh tâm thần 2 ngày trước khi bị bắt. Nghi vấn đặt ra, nếu Công an chỉ trễ khoảng vài ngày nữa, Trầm Bê sẽ có bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Có lẽ "bài học" từ các vụ án của các đối tượng hình sự, ma túy cũng đã cho Trầm Bê biết phải làm gì với bệnh án tâm thần. |
Minh Khoa - Trần Xuân
Nhận xét
Đăng nhận xét