Trong bối cảnh hiện nay, công tác bài trừ tham nhũng đang được làm quyết liệt, Chính phủ không ngừng hoạt động để tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung, cảm xúc tích cực của nhân dân vừa mới được nhen nhóm cần phải nuôi dưỡng thêm trong một thời gian dài. Vì vậy sự phản ứng về hai luật quan trọng vừa qua là hết sức đáng tiếc, nếu không muốn nói rằng, vô cùng đáng tiếc.
Hai dự thảo luật rất quan trọng gọi tắt là Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng đang khiến dư luận quan tâm hết sức đặc biệt. Những ưu điểm hay những tồn tại cần bổ sung, hoàn thiện của hai dự luật này là điều đang được thực hiện rốt ráo, tôi không lạm bàn đến. Nhưng rõ ràng, những phản ứng của nhiều người dân liên quan đến hai dự luật trên là điều phải nhìn nhận nghiêm túc.
1. Bàn về Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng đã được báo giới phản ánh từ rất lâu, chứ không phải chỉ vừa mới thảo luật tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa mới diễn ra. Tuy nhiên, mãi đến khi đưa ra Quốc hội thì mọi thứ mới được quan tâm, mới trở nên ồn ào đến vậy.
Những câu chuyện đáng buồn ở Bình Thuận, hay những gây rối ở TP HCM, theo quan điểm cá nhân tôi, một phần khởi nguồn từ thái độ chưa đúng trong công tác tập trung tuyên truyền thông tin.
Nói cách khác, nhiều ban ngành đã chưa có câu trả lời cho câu hỏi thái độ tiếp nhận thông tin liên quan đến hai đạo luật quan trọng này của nhân dân. Đây là điều hết sức cơ bản mà bất cứ một kế hoạch hay chiến lược nào cũng phải nghĩ đến.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Trong dịp gặp mặt báo chí nhân dịp 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dẫn lại vụ việc gây rối, làm mất an ninh trật tự ở Bình Thuận và một số nơi vừa qua, và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của các cấp, các ngành, trong đó thẳng thắn nhìn nhận có hạn chế trong công tác báo chí, truyền thông.
Công tác thông tin truyền thông chưa tốt, chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều người dân thiếu thông tin, bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, kích động, lôi kéo, tham gia tụ tập đông người, biểu tình trái phép, gây mất an ninh trật tự và hậu quả nghiêm trọng.
Rõ ràng là đại đa số người dân chưa được biết đến cái lợi của hai luật này. Ví dụ như Dự thảo Luật Đặc khu, cái được cho quốc gia chưa được phân tích cặn kẽ, cũng chưa làm rõ vì sao thời điểm này quốc gia lại cần làm đặc khu.
Trong quá trình thực hiện cần phải làm gì, cần phải có những ràng buộc và phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ ngắn hạn ra sao… Vì sao đặc khu lại là lựa chọn ưu tiên trong công cuộc phát triển kinh tế.
Thay vào đó, tựu trung chỉ phản ánh về thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm tại 3 đặc khu làm dấy lên sự lo lắng về an ninh chủ quyền trong nhân dân. Thậm chí, lãnh đạo đầu ngành cũng sa đà vào chuyện ấy với những giải thích chung chung không rành mạch, rõ ràng.
Mặc dù, đây là những trường hợp đặc biệt phải có sự phê chuẩn của Thủ tướng sau khi Thủ tướng đã được các cơ quan ban ngành tham mưu kỹ càng. Quan trọng hơn, đây không phải là mấu chốt của Dự thảo Luật Đặc khu.
Trước những lo lắng của nhân dân cũng như nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hết sức cầu thị, tôn trọng cảm xúc của nhân dân, đệ trình Quốc hội hoãn thông qua Dự thảo Luật Đặc khu này.
2. Luật An ninh mạng vừa được thông qua cũng vậy, chưa có những phân tích đủ sâu cho thấy những điều luật được quy định trong Luật này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của quốc gia.
Không có ví dụ cụ thể, không có trường hợp điển hình cụ thể. Mà như tất cả điều biết, ngôn ngữ trong luật bao giờ cũng nghiêm cẩn chuyên ngành và khó hiểu với đại đa số người đọc.
Không thể nào khiến nhân dân tin chỉ bằng những cụm từ sẽ bảo vệ tốt hơn cho người sử dụng internet, sẽ bảo vệ được an ninh thông tin của quốc gia… Bảo vệ ra sao, bảo vệ như thế nào, những ai sẽ được bảo vệ… là điều chưa được trình bày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lấy một ví dụ đơn giản, vì sao Luật quy định đúng tuổi ấy mới được kết hôn, dưới tuổi ấy kết hôn sẽ vi phạm luật. Là vì đúng tuổi thì mới suy nghĩ chín chắn, mới đủ năng lực nhận thức chịu trách nhiệm hành vi, mới phát triển cơ thể đến độ chín muồi cho việc làm chồng làm cha hay làm vợ làm mẹ, mới đảm bảo không bị dụ dỗ, đe dọa, chèn ép hay bắt bớ theo ý chí của người khác.
Những lý giải về sự cần thiết của Luật An ninh mạng chưa làm thỏa mãn mong muốn được biết của nhân dân.
3. Trong bối cảnh hiện nay, công tác bài trừ tham nhũng đang được làm quyết liệt, Chính phủ không ngừng hoạt động để tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung, cảm xúc tích cực của nhân dân vừa mới được nhen nhóm cần phải nuôi dưỡng thêm trong một thời gian dài. Vì vậy sự phản ứng về hai luật quan trọng vừa qua là hết sức đáng tiếc, nếu không muốn nói rằng, vô cùng đáng tiếc.
Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mà muốn dân liệu, dân đồng lòng thì có khó không, tôi nghĩ là không khó. Tựu trung gói gọn trong mấy chữ rất suôn vần, “Tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”.
Khi mà tư tưởng đã thông rồi, khi mà đã hiểu rồi thì chuyện khó mấy cũng vượt qua được, điều tưởng chừng nan giải mấy cũng có thể tập hợp đoàn kết mà giải quyết được.
Vấn đề ở đây chính là sự bình tĩnh, chọn một quan điểm đối thoại, giải thích một cách cặn kẽ và bền bỉ, như câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” vậy.
Học trò của Khổng Tử là Nhan Hồi nấu cơm, không may bụi bếp bay vào nồi nên Nhan Hồi dùng muỗng vớt lớp cơm dính bụi bẩn để ăn trước với mong muốn thầy Khổng Tử và các đồng môn ăn cơm sạch. Nhưng vì Nhan Hồi không giải thích rõ điều đó nên bị Khổng Tử nghi ngờ và đồng môn trách móc.
Dự thảo Luật Đặc khu hay Luật An ninh mạng cũng vậy, nếu không có lời giải thích như Nhan Hồi thì làm sao có thể lắng nghe dân và đả thông tư tưởng cho người dân.
Ngô Nguyệt Lãng
Nhận xét
Đăng nhận xét