Sáng nay, 7-7, tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tổ chức công bố dự thảo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự và chủ trì cuộc làm việc.
Những người dân xã Đồng Tâm tới dự buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra
Đúng 8h 30, buổi làm viêc bắt đầu. Thanh tra TP Hà Nội công bố toàn văn dự thảo kết luận thanh tra.
Theo kết luận thanh tra được ông Nguyễn An Huy – Trưởng đoàn Thanh tra (Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội) công bố, kết quả xác định diện tích đất có tranh chấp, khiếu nại của người dân Đồng Tâm tại sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng.
Qua các kết quả đo đạc, kiểm tra mốc giới sân bay Miếu Môn ngày 21/6/2017, từ năm 1981 đến nay toàn bộ đất sân bay Miếu Môn có các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng có diện tích 236,9ha (tăng 28,9ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ).
Phần đất tăng thêm là do lấy thêm đất thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, không sản xuất nông nghiệp được, nằm trong quy hoạch giai đoạn hai xây dựng sân bay Miếu Môn để phù hợp với yêu cầu thi công công trình.
Kết quả thanh tra xác định, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là 64,03 ha, chênh lệch giảm 0,63 ha so với diện tích tỉnh Hà Sơn Bình (lúc bấy giờ) bàn giao cho Bộ Tư lệnh Công binh từ năm 1981.
Ông Nguyễn An Huy – Trưởng đoàn Thanh tra (Phó Chánh thanh tra TP Hà Nội)
Quá trình quản lý sử dụng từ năm 1981 đến nay, Bộ Tư lệnh Công binh chưa xây dựng công trình trên sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm. Từ 1989, Bộ Tư lệnh Công binh đã bàn giao cho Lữ đoàn 28 tiếp tục quản lý đất đai ở Miếu Môn.
Do đất nhàn rỗi mà dân Đồng Tâm thiếu đất sản xuất, UBND huyện Mỹ Đức đã cùng xã Đồng Tâm đề xuất Lữ đoàn 28 cho mượn 19,9 ha cho xã Đồng Tâm tăng gia, sản xuất. Lữ đoàn 28 đã ký giao khoán 19,9 ha trong diện tích 64,03 ha dự án sân bay Miếu Môn cho xã Đồng Tâm, xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ năm 2012 Lữ đoàn 28 đã chấm dứt hợp đồng giao khoán nói trên nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp thu hoa lợi, sinh sống trên phần đất ấy đến nay.
Do buông lỏng quản lý, 05 hộ dân được cho mượn đất làm nhà ở và sản xuất trên diện tích đã được bàn giao lại cho các đơn vị quốc phòng và các hộ đã tự lấn chiếm, tặng, cho, thi công công trình không phép. UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận các hồ sơ thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng trái thẩm quyền.
Đối với nội dung kiến nghị của ông Lê Đình Kình và một số công dân xã Đồng Tâm, đã được Thanh tra TP làm rõ. Cụ thể, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng đã được cấp và cắm mốc giới; đề nghị trả tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng cho nhân dân xã, là không đúng.
Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng không phép trên đất Quốc phòng. UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận các hồ sơ thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng là trái thẩm quyền, vi phạm này đã được UBND thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ Đồng Tâm, 14 cán bộ huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm sẽ phải hầu tòa vào giữa tháng 7 này. VKSND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã hoàn tất hồ sơ, ra cáo trạng truy tố 10 cựu cán bộ xã Đồng Tâm và 4 cựu cán bộ huyện với cáo buộc phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
4 cán bộ huyện Mỹ Đức bị truy tố gồm: Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, Giám đốc và Phó giám đốc cùng cán bộ Văn phòng Dăng ký đất đai của huyện bị cáo buộc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Những người này đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.
10 cựu cán bộ xã có 3 người nguyên là chủ tịch UBND, Bí thư, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban tài chính, Trưởng công an xã (từ năm 2002 đến năm 2013), bị cáo buộc buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm vì động cơ vụ lợi đã cấp, giao đất (trái thẩm quyền), hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Trong quá trình thu hồi, giải tỏa đất ở Miếu Môn để xây dựng công trình quốc phòng đã xảy ra sự cố một số người dân Thôn Hoành do ông Lê Đình Kình đứng đầu kiên quyết chống đối. Cơ quan điều tra Quân đội đã khởi tố vụ việc, khởi tố bị can. Chính quyền huyện Mỹ Đức đã cử cán bộ và cảnh sát cơ động hỗ trợ việc cưỡng chế dẫn đến vụ bắt người trái pháp luật, phá hoại tài sản của nhóm ông Lê Đình Kình và những người quá khích bị kích động ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Đánh giá về vụ việc này ông Nguyễn Đức Chung cho rằng: Có một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi (bất hợp pháp), có sự gian dối để kích động người dân “Với tài liệu tôi có được, và chính cụ Kình cũng thừa nhận điều này…".
Xử quan rồi mới xử dân, đấy là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ. Hôm 26-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng. Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định quan điểm của Chính phủ liên quan đến vụ việc tại Đồng Tâm Thủ tướng nói: “Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã đó”.
Khởi tố vụ bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản nhà nước là đúng và cần thiết. Thượng tôn pháp luật là hành xử để đảm bảo an ninh trật tự xã hội là đúng đắn là công bằng, là văn minh.
Vụ Đồng Tâm hẳn đã đến hồi kết. Chúng ta, cư dân mạng cũng cần khách quan, toàn diện, cân nhắc khi bình luận một vấn đề, đấy là ứng xử văn minh.
Nhận xét
Đăng nhận xét