Với sự tham gia chủ động, tích cực, cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
Nhận định của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico Alfredo Femat Bañuelos trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mexico mới đây là một trong số rất nhiều ý kiến của dư luận quốc tế đánh giá cao những đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Cùng cộng đồng quốc tế xử lý các thách thức chung
Có thể nói năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhiều dấu ấn của một đối tác tin cậy, thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia trực tiếp và phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 hồi tháng Chín vừa qua, đưa ra những đề xuất hết sức thiết thực về các vấn đề quan trọng của thế giới, là minh chứng rõ nét.
Chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk thuộc Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” (Nga) đề cập tới chương trình làm việc hiệu quả và tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, qua đó thể hiện “Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc.”
Hãng thông tấn liên bang Nga (Riafan) nhận định tất cả các phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, như trong phiên thảo luận cấp cao hay phiên thảo luận về an ninh khí hậu, an ninh lương thực, đều cho thấy Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thế giới.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi thư cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam đối với thành công của hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là bài phát biểu sâu sắc của Chủ tịch nước về các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu và tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng hành động.
Dư luận quốc tế cũng đề cao sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh và đưa ra cam kết về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia các nỗ lực chung của quốc tế nhằm chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh, cho rằng cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh Paul Smith, đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 có ý nghĩa tích cực, cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Theo ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh, cam kết tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO), nêu rõ Việt Nam đã là một thành viên giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng đề xuất và thực hiện các sáng kiến khác nhau nhằm giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu, cũng như đưa ra các giải pháp có tính đến lợi ích của các bên.
Với sự tham gia chủ động, tích cực như vậy, cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Điều đó được thể hiện qua việc Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao đã được tín nhiệm bầu lại vào Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Việt Nam là một trong những nước nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhất khi bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESO giai đoạn 2021-2025.
Phát huy hiệu quả vai trò tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế càng được khẳng định trong năm thứ hai nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ủy viên.
Tại cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc tháng Sáu vừa qua, ông Antonio Guterres đã ghi nhận những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an, đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và COVID-19. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực.
Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Anouparb Vongnorkeo, Trưởng Phái đoàn thường trực Lào tại Liên hợp quốc, đánh giá Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong Liên hợp quốc, nhất là tại Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Nathalie Estival-Broadhurst, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Pháp tại Liên hợp quốc, cũng nhận định “Việt Nam là một đối tác mạnh tại Hội đồng Bảo an” và Việt Nam đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. Theo Trưởng Phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên hợp quốc, Đại sứ Philippe Kridelka: “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới.”
Đại sứ T.S.Tirumurti, Trưởng phái đoàn Ấn Độ tại Liên hợp quốc, đặc biệt ấn tượng với các đề xuất mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10/8 với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế.”
Tiến sỹ Pankaj Jha, giảng viên trường Đại học Jindal, Ấn Độ đánh giá với bài phát biểu này, Thủ tướng Việt Nam đã giúp nâng cao nhận thức về việc phải bảo vệ đại dương, bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Theo Giáo sư Antonio Fallico, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Á-Âu tại vùng Veneto (Italy), chuyên gia về địa chính trị châu Á, những đề xuất của Việt Nam trong phiên thảo luận về an ninh biển thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế.
Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên là chuyên gia về Biển Đông của Viện Khoa học và chính trị Đức, cho rằng các đề xuất của Việt Nam rất phù hợp và thực tế, thể hiện tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chung.
Củng cố quan hệ quốc tế
Trong năm nay, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến công du ra nước ngoài, phát huy chính sách Việt Nam là bạn của thế giới.
Hoạt động ngoại giao cấp cao thực sự sôi động với các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cuba, Campuchia, Liên bang Nga.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, Anh và Pháp, Kênh ngoại giao nghị viện cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với các chuyến thăm và tham dự các diễn đàn nghị viện quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới châu Âu (Áo, Bỉ và Phần Lan), châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc).
Các chuyến thăm là cơ hội tốt để Việt Nam cùng các nước củng cố và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương, góp phần quan trọng vào việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị, đồng thời thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thiết thực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Tiến sỹ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ quốc tế, nhất là mở rộng quan hệ hợp tác không chỉ với các nước trong khu vực (ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia), các nước lớn (Trung Quốc, Mỹ, Nga) mà còn đối với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác.
Chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ-Việt Pierre Gréga nhấn mạnh tới những thành công mà Việt Nam đã đạt được nhờ chính sách đối ngoại đa phương, mở cửa với các nước trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ông Gréga cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, căng thẳng, xung đột và dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu…, có rất nhiều nguy cơ hiện hữu trên thế giới, điều quan trọng là phải giữ được sự tự chủ, tạo thế cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc trên cơ sở chính sách đa phương.
Chủ tịch Hội Đức-Việt Rolf Schulze, cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2007-2011) khẳng định Việt Nam – với cam kết chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp – là một thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Những ý kiến ghi nhận vai trò, đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu một lần nữa cho thấy vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao./.
Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)
Nhận xét
Đăng nhận xét