Trong bối cảnh đất nước có rất nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhất là trước muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19, hơn lúc nào hết rất cần những cán bộ có tinh thần “6 dám”.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần “6 dám”
Nếu như trước đây, Đảng ta đòi hỏi người cán bộ, nhất là những người lãnh đạo phải 3 dám là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm 3 yêu cầu đối với đội ngũ này là “dám nói, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Việc bổ sung này thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng, phù hợp với thực tiễn cùng sự vận động, phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn cho mỗi cán bộ để đảm đương, gánh vác, đạt hiệu quả hơn các trọng trách được giao.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 (Kết luận số 14) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ khi thực hiện đúng chủ trương mà không đạt kết quả đề ra nhưng có động cơ trong sáng vì lợi ích chung.
Có thể thấy, việc cụ thể hóa và ban hành Kết luận số 14 được nhiều cán bộ, đảng viên kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội, gỡ được những nút thắt để đội ngũ cán bộ mạnh dạn phát huy năng lực, sở trường, sáng tạo trong công tác vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc.
Quan điểm này cũng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhắc lại trong các bài phát biểu quan trọng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Trước đó, lại lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trước Quốc hội và cử tri cả nước sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Từ Nghị quyết của Đảng đến Kết luận của Bộ Chính trị và các phát biểu của lãnh đạo cấp cao đều khẳng định quan điểm muốn phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ, một mặt vừa phải phân rõ trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; mặt khác, vừa phải tạo môi trường, cơ chế hiệu quả để khuyến khích cũng như bảo vệ cán bộ dám “xé rào”, dám đột phá vì lợi ích chung. Bởi trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như các thách thức đan xen, nhất là trước muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19, thì hơn lúc nào hết rất cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để có những cách làm hay mang tính đột phá, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục sản xuất kinh doanh.
Dịch bệnh khốc liệt: Phép thử để tìm cán bộ “6 dám”
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với tư tưởng và yêu cầu mới về cán bộ “6 dám” cũng là năm cả nước đối đầu với những khó khăn thử thách chưa từng có, đó là đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19.
Công cuộc phòng chống dịch bệnh vừa qua cũng chính là phép thử để đo tinh thần dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhất là những người lãnh đạo TPHCM – địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất vì dịch bệnh. Tuy nhiên trong bối cảnh mất mát chung ấy vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng ghi nhận mà nguyên nhân chính để tạo nên những thành công là những quyết sách, sáng kiến và sự quyết liệt của người đứng đầu.
Đầu tiên phải kể đến phương pháp “không coi F0 là người bệnh” và đưa thuốc Đông y vào sử dụng từ rất sớm ở huyện Củ Chi đã giúp địa phương này điều trị khỏi nhiều ca bệnh rất nhanh, và đặc biệt không có trường hợp tử vong.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, huyện Củ Chi có nhiều sáng kiến như bản đồ an sinh xã hội, theo dõi việc chăm lo tới từng hộ dân, từng người dân. Huyện cũng tổ chức lực lượng đi chợ giúp dân gắn với tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Đó chính là sự sáng tạo “một công hai việc” mà không phải ở nơi nào cũng làm được. Đây là điểm sáng thể hiện sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đối với người dân.
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Quận 6, Quận 7 cũng được nhắc đến với nhiều cách làm sáng tạo. Nếu như Quận 7 triển khai xét nghiệm nhanh từ sớm, đồng thời đưa cả bồn oxy lỏng công nghiệp vào lắp đặt hệ thống oxy tập trung vào bệnh viện trong lúc thiếu bồn oxy y tế thì Quận 6 là quận đầu tiên của TP.HCM phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 tự điều trị tại nhà dù chưa có hướng dẫn của Sở Y tế.
Theo chia sẻ của Bí thư Quận ủy Quận 6 Lê Thị Hờ Rin, mặc dù khi đó việc sử dụng thuốc chưa có trong quy định và chưa được Sở Y tế hướng dẫn, nhưng vì tình thế cấp bách, buộc bà phải lựa chọn và ra quyết định, không thể chần chừ. Rất may mắn, từ lúc dùng thuốc, số ca tử vong giảm hẳn, nhờ đó, nhiều người yên tâm với cách làm này.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Bắc Giang cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch này. Địa phương đã có những quyết sách quan trọng, sát với tình hình diễn biến dịch bệnh. Trong đó tiến hành bài bản, sáng tạo, hiệu quả công tác phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, truy vết, điều trị bệnh nhân; huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Bắc Giang cũng là tỉnh lần đầu tiên áp dụng mô hình “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến đối với khu công nghiệp mang lại kết quả tốt. Nhiều mô hình sáng tạo như lập vành đai bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử, hợp tác công tư trong phòng, chống dịch… đây là kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được, trong cuộc làm việc tại Bắc Giang vào tháng 8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh. Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cần bộ lọc những người vì động cơ vị kỷ
Nhắc lại nhiều mô hình sáng tạo trong phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương, song PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng thẳng thắn cho rằng, nhìn trên bình diện tổng thể của đất nước, có thể thấy còn có nơi, có lúc, người đứng đầu vẫn rất cẩn trọng, né tránh, không dám đột phá, sáng tạo, thậm chí khi để xảy ra sai lầm, khuyết điểm vẫn không dám nhận, đùn đẩy, đổ thừa. Tinh thần này dù sao vẫn gặp những rào cản từ những quy định còn chồng chéo và chưa thật sự rõ nét.
“Kể từ khi Kết luận số 14 được ban hành đến nay mới chỉ trải qua thời gian trên 3 tháng. Chắc chắn, Đảng sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy định để làm rõ các nội hàm và cũng vừa để khuyến khích, vừa bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước” – ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Để Kết luận số 14 đi vào cuộc sống, GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa bằng những quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người lợi dụng, nhân danh đột phá, sáng tạo nhưng vì động cơ vị kỷ, cốt để “vinh thân phì gia”, “lợi ích nhóm”. Bởi nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước là luôn tôn trọng, khuyến khích, động viên và bảo vệ những người có tinh thần đổi mới, đột phá vì lợi ích chung, nhưng cũng hết sức công bằng đối với những sai sót, vi phạm. Trường hợp “núp bóng” sáng tạo, đổi mới mà phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm thì cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe, giáo dục.
Để khuyến khích, động viên cán bộ có phẩm chất “6 dám” thì cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải có tinh thần đổi mới, sẵn sàng tạo điều kiện cho cán bộ triển khai hoặc thực hiện thí điểm những đề xuất mới, những ý tưởng sáng tạo của họ. Trong quá trình ý tưởng được thực hiện phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện sớm và kịp thời chấn chỉnh những sai sót, rủi ro có thể xảy ra.
Theo GS Phan Xuân Sơn, để đổi mới, sáng tạo, người cán bộ phải có bản lĩnh, quyết đoán, mạnh dạn trong suy nghĩ, hành động, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Song, để tránh những rủi ro, sai sót có thể xảy ra, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua các cơ quan chuyên môn, sau đó cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.
“Mọi ý tưởng đột phá, đổi mới vì lợi ích chung thì phải có kết quả, sản phẩm cuối cùng phục vụ quốc gia, dân tộc, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng” – ông Phan Xuân Sơn nhấn mạnh./.
Kim Anh/VOV.VN
Nhận xét
Đăng nhận xét